Bộ trưởng và trách nhiệm cá nhân
> Thẩm tra chặt chẽ các văn bản pháp luật
> Nhìn nhận yếu kém trong phát triển văn hóa
Quy định về mô hình tổ chức, hoạt động của Chính phủ, chế độ trách nhiệm của Thủ tướng, Bộ trưởng; phương án xây dựng chính quyền địa phương… là những vấn đề làm nóng phiên họp chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật của Chính phủ ngày 12/8.
Thủ tướng chủ trì phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật của Chính phủ (ảnh: Chinhphu.vn). |
Chính phủ biểu quyết về mô hình HĐND
2 nội dung được Chính phủ đồng thời thảo luận trong phiên họp là vấn đề thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường và đề xuất thay đổi về chương Chính quyền địa phương trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình báo cáo tổng hợp kết quả hơn 4 năm thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường cho biết, tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị ở địa phương vẫn bảo đảm được sự lãnh đạo của Đảng và quan hệ công tác giữa các cơ quan; hoạt động quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền các cấp và việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương thông suốt, hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, cùng với việc không ngừng đẩy mạnh cải cách hành chính, công khai hóa các thủ tục hành chính trên cổng thông tin điện tử của các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đã giúp nhân dân tiếp cận nhanh hơn, gần hơn với chính quyền.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc không tổ chức HĐND huyện, quận, phường tác động lớn đến tâm tư, nguyện vọng của những người đang công tác ở huyện, quận, phường; ảnh hưởng nhất định tới việc khẳng định vị trí của HĐND ở địa phương, gây khó khăn, vướng mắc cho hoạt động của HĐND.
Từ đó, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình khái quát đề xuất 3 phương án tổ chức chính quyền địa phương: theo hướng không tổ chức HĐND huyện, quận, phường như thí điểm; không tổ chức HĐND quận, phường, vẫn tổ chức HĐND huyện và giữ nguyên tổ chức như hiện tại.
Dẫn chiếu sang những quy định về chính quyền địa phương tại chương 9 trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường phân tích thêm phương án “bỏ” HĐND quận, phường, vẫn giữ HĐND huyện. Lý do, theo ông Cường, đơn vị hành chính quận, phường thể hiện rõ tính chất đô thị còn huyện thì tính chất lãnh thổ rõ hơn. Bộ trưởng Tư pháp khuyến cáo, cần có sự phân biệt để giải quyết những vấn đề khác nhau đặt ra đối với mỗi địa bàn, khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận xét, nếu vẫn giữ mô hình tổ chức chính quyền địa phương 3 cấp như hiện nay, theo nguyên tắc, HĐND xã, phường cũng làm quy hoạch, lên kế hoạch kinh tế xã hội… Thực tế, Thủ tướng cho rằng, năng lực của cơ quan này khó đáp ứng đòi hỏi công việc. Thủ tướng cũng nhấn mạnh vấn đề phân biệt giữa chức năng của chính quyền nông thôn và chính quyền đô thị.
“Xác định mô hình chính quyền địa phương phụ thuộc rất lớn với việc lựa chọn triển khai tổ chức HĐND như thế nào. Các phương án, nhất là phương án không tổ chức HĐND quận, huyện, phường phải có đánh giá tổng kết các mặt từ thực tiễn và lấy ý kiến cấp ủy, HĐND và chính quyền các tỉnh, thành phố trong cả nước trước khi Chính phủ biểu quyết lựa chọn để hoàn thiện đề án” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Sáng 13/8, phiên họp về chuyên đề xây dựng pháp luật của Chính phủ tiếp tục diễn ra. |
Tăng trách nhiệm cá nhân của Bộ trưởng
Một nội dung khác trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 được Chính phủ tập trung thảo luận là về chương 7 - quy định về Chính phủ. Các thành viên Chính phủ đã thảo luận, đóng góp ý kiến bổ sung một số quy định nhằm tạo cơ chế hiến định để Chính phủ có thể kiểm soát việc thực hiện quyền lập pháp và quyền tư pháp theo nguyên tắc đã được xác định tại Điều 2; đề xuất những vấn đề lớn liên quan đến thẩm quyền điều chỉnh địa giới hành chính, thẩm quyền hướng dẫn, giám sát và kiểm tra hoạt động của chính quyền địa phương, thẩm quyền đình chỉ việc thi hành và bãi bỏ văn bản của chính quyền địa phương, chế độ làm việc và chế độ trách nhiệm của thành viên Chính phủ (Điều 95 Dự thảo)...
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường nêu quan điểm cần quy định cụ thể việc Bộ trưởng chịu trách nhiệm trước Thủ tướng, Chính phủ nhằm tăng cường trách nhiệm cá nhân đối với công tác điều hành trong ngành, lĩnh vực được phân công, tổ chức.
Bộ trưởng Tư pháp cũng đề nghị bổ sung quy định Thủ tướng là người đứng đầu Chính phủ và bộ máy hành chính nhà nước để đảm bảo sự vận hành liên tục, thông suốt của cơ quan hành chính.
Tán thành những lập luận này, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam - nhận xét: “Trách nhiệm phải được xem xét theo hướng ngày càng rõ ràng, quy trách nhiệm cụ thể. Việc quy định Bộ trưởng chịu trách nhiệm trước Thủ tướng là một biện pháp tăng trách nhiệm cá nhân rất rõ rệt”.
Chốt lại nội dung này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý, cần làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, nhất là sự phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.... Thủ tướng đề nghị, các vấn đề trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 liên quan đến Chương 7 - Chính phủ và Chương 9 - Chính quyền địa phương sẽ được tiến hành lấy ý kiến biểu quyết của từng thành viên Chính phủ.
Theo P.Thảo
Dân trí