Bộ trưởng Tư pháp: Luật Điện lực sửa đổi nhằm phá thế độc quyền

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ mới đặt vấn đề xử lý phá thế độc quyền quy định tại Luật Điện lực, để thể chế hóa đầy đủ các nội dung thì còn khá nhiều vấn đề phải làm.

Sáng 10/1, Quốc hội thảo luận về dự án một luật sửa 8 luật. Việc sửa đổi Luật Điện lực thu hút tư nhân đầu tư truyền tải điện nhận được nhiều sự quan tâm từ các đại biểu Quốc hội.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, nội dung sửa đổi chưa phân định cụ thể giữa phạm vi độc quyền và không độc quyền, có thể dẫn tới tùy tiện trong áp dụng. Bà Mai đề nghị cần phân định rõ loại lưới điện truyền tải nào mà thành phần kinh tế tư nhân có thể được tham gia đầu tư xây dựng quản lý vận hành, loại nào do Nhà nước quy hoạch và chỉ giao EVN.

Bộ trưởng Tư pháp: Luật Điện lực sửa đổi nhằm phá thế độc quyền ảnh 1

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai. Ảnh: Như Ý

Bên cạnh quy định về mặt thẩm quyền quyết định lựa chọn nhà đầu tư, đại biểu đoàn Hà Nội cũng đề nghị quy định cụ thể trách nhiệm của từng chủ thể trong quá trình vận hành, trong đó có trách nhiệm của cơ quan Nhà nước và nhà đầu tư, đảm bảo an toàn hệ thống, tránh gây ra hậu quả sau này.

Về giá điện, theo đại biểu, việc tư nhân hóa có thể giá sẽ cao khi tư nhân tham gia vận hành. Do vậy, cần có đánh giá tác động để đảm bảo bình ổn giá, tránh ảnh hưởng đến người dân.

Theo bà Mai, hệ thống lưới điện truyền tải là tài sản, thời gian qua có trường hợp định giá không chuẩn xác gây thiệt hại lớn. Do vậy đại biểu cho rằng cần có quy định cụ thể cơ chế định giá điện. “Để pháp luật đi vào cuộc sống, rất cần thiết có những quy định cụ thể, kín kẽ, đảm bảo hiệu quả quản lý”, bà Mai lưu ý.

Bộ trưởng Tư pháp: Luật Điện lực sửa đổi nhằm phá thế độc quyền ảnh 2

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long. Ảnh: Như Ý

Cùng quan điểm, đại biểu Vũ Huy Khánh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, quy định như dự thảo đưa ra chưa chặt chẽ, chưa nêu được vai trò cần và đủ của Nhà nước. Đại biểu Khánh đề nghị cần chỉnh lại theo hướng Nhà nước không độc quyền nhưng có quyền kiểm soát kể cả do các công trình đó là ngoài Nhà nước xây dựng để đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống.

Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, vấn đề về điện lực, Chính phủ mới đặt vấn đề xử lý một việc thôi, đó là phá thế độc quyền quy định tại Luật Điện lực, còn để thể chế hóa đầy đủ các nội dung thì còn khá nhiều vấn đề phải làm.

Ông Long ví dụ về năng lượng sạch, giá hợp đồng điện, Chính phủ cũng đang xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực. Bộ Công Thương đang tiếp tục hoàn chỉnh theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các ý kiến liên quan đến góp ý trực tiếp của các đại biểu Quốc hội.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.