Kết luận hội nghị tổng kết ngành Công Thương ngày 17/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công Thương cần tăng cường phòng chống tham nhũng, lãng phí, kỷ cương kỷ luật hành chính trong ngành gắn trách nhiệm nêu gương của các lãnh đạo trong bộ, ngành Công Thương với phương châm hành động của Chính phủ.
Thủ tướng cũng nêu rõ Văn phòng Bộ Công Thương và Tổng cục Quản lý thị trường cần lưu ý trong hoạt động. Tổng cục Quản lý thị trường đã hoàn thành việc sắp xếp lại, hoạt động từ cuối tháng 10/2018 nhưng vẫn chưa làm tốt công tác Đảng.
“Văn phòng Bộ Công thương, Quản lý thị trường phải dày dặn kinh nghiệm, chặt chẽ. Chọn người trẻ là cần thiết nhưng rất cần kinh nghiệm. Mô hình tổ chức Đảng, đoàn thể, tổ chức chuyên môn thế nào phải xem xét, tổ chức lại”, Thủ tướng nói.
Tại hội nghị, Thủ tướng cho rằng đến nay dù đã được tổ chức lại lực lượng, đã có Tổng cục trưởng quản lý thị trường nhưng tình trạng tình trạng hàng giải, nhái, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại còn diễn biến phức tạp. Thủ tướng cũng nhắc nhở các lãnh đạo quản lý thị trường địa phương phải cùng công an và các lực lượng khác tăng cường chống hàng giả, hàng nhái, làm tốt vai trò kiểm tra kiểm soát của lực lượng quản lý thị trường.
“Các đồng chí làm việc này chưa tốt cần chấn chỉnh mạnh mẽ hơn, sắp xếp lại mô hình chỉ đạo chuyên môn để làm cho tốt hơn. Đề nghị Bộ trưởng Công Thương phải có hội nghị bàn chuyên sâu về hoạt động của quản lý thị trường, lực lượng rất lớn của Bộ Công Thương với 16.000 nhân sự như hiện nay. Mô hình chuyên môn, tổ chức phải làm thế nào để làm cho tốt hơn”, Thủ tướng yêu cầu.
Thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo Bộ Công Thương cùng với việc bàn về mô hình của quản lý thị trường, cần bàn về cả vấn đề tổ chức Đảng và việc phối hợp với các địa phương của quản lý thị trường.
Trước đó, khi tham luận tại hội nghị của ngành công thương, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay đến nay hệ thống quản lý thị trường đã sắp xếp lại. Tuy nhiên, cơ cấu bộ máy và cơ chế phối hợp giữa các chính quyền địa phương trong đó có Hà Nội, kể cả trong tổ chức Đảng cũng như xử lý đấu tranh chống hàng lậu, gian lận thương mại... chưa tốt. Ông Chung đề nghị cần có quy chế phối hợp giữa cơ quan này và các địa phương.
"Những quy định hiện nay đang chậm nên bản thân thành phố Hà Nội cũng lúng túng trong chỉ đạo, phối hợp với quản lý thị trường. Chúng tôi mong muốn các đồng chí sớm có quy chế phối hợp, nâng cao hiệu quả hoạt động của quản lý thị trường trong thời gian tới", ông Chung nói.
Thủ tướng cũng cho rằng một số nhiệm vụ của ngành công thương chưa rõ nét. Chất lượng lao động và nguồn nhân lực đến nay vẫn là vấn đề. Cần công bố quy hoạch rõ ràng về phát triển điện lực, không để tình trạng xin cho trong quy hoạch phát triển điện lực. Cùng đó, không để mất bò mới lo làm chuồng trong đảm bảo năng lượng. Bộ Công Thương phải coi đây là nhiệm vụ của ngành để thực hiện.
Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương tiếp tục xử lý căn bản các vấn đề về xuất khẩu, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường với sự tham gia của các tham tán thương mại. Phát triển thị trường là vấn đề được người đứng đầu Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh. Việc phản ứng chính sách, điều chỉnh chủ trương nhanh chóng, bám sát diễn biến tình hình trong nước và quốc tế cũng là nhiệm vụ đặt ra với ngành công thương. Không để trì trệ. Tổ chức lại lực lượng thị trường, tạo dựng thị trường cũng là công việc đặt ra.
Trước các yêu cầu và 9 nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra với ngành công thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay, 8 bất cập tồn tại được Thủ tướng chỉ ra thì ngành công thương sẽ tập trung khắc phục. Theo đó, cần có sự đột phá của ngành công thương và cần sự chung tay, gắn bó, chia sẻ trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương và các tổ chức chính phủ trong hệ thống chính trị của đất nước để thực hiện các nhiệm vụ được giao.