Doanh nghiệp điêu đứng vì quản lý thị trường 'làm ẩu'

Vụ việc Con Cưng gây sự chú ý đặc biệt của dư luận khi quản lý thị trường có vi phạm trong quá trình thi hành công vụ
Vụ việc Con Cưng gây sự chú ý đặc biệt của dư luận khi quản lý thị trường có vi phạm trong quá trình thi hành công vụ
TPO - Cùng với việc ra mắt bộ máy mới của Tổng cục Quản lý thị trường ngày 12/10 tới, nhiều câu hỏi liên quan đến chất lượng bộ máy, hiệu quả hoạt động cũng như những tồn tại của lực lượng quản lý thị trường có được khắc phục khi đã từng có nhiều “dấu ấn xấu” của lực lượng này trong mắt người dân và doanh nghiệp.

Ngày 12/10 là thời điểm có hiệu lực của Quyết định 34/2018 do Thủ tướng ký ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công Thương. Theo đó, bộ máy mới của Tổng cục này sẽ hoạt động theo mô hình mới, được cơ cấu lại theo ngành dọc và giảm hơn 45% nhân sự. Đây cũng là thời điểm chiếc 'ghế nóng' Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường chính thức có chủ là ông Trần Hữu Linh, hiện là Chánh Văn phòng Bộ Công Thương.

Chuyện quản lý thị trường làm sai, đẩy doanh nghiệp vào cảnh nguy khốn không phải lần đầu xảy ra. Nhiều vụ việc tương tự, thậm chí sai phạm rõ ràng của quản lý thị trường dồn ép khiến doanh nghiệp rơi vào bước đường cùng đã nhiều lần được ghi nhận. Sau tất cả, chỉ có doanh nghiệp lao đao, khốn khổ tiệt đường kinh doanh còn những người làm sai của lực lượng quản lý thị trường vẫn nhở nhơn.

Một trong những vụ việc điển hình của việc doanh nghiệp bị điêu đứng, bầm dập vì hành xử của quản lý thị trường được nhắc đến nhiều nhất những ngày qua là trường hợp của Công ty Cổ phần Con Cưng bị tố bán hàng nhập nhèm nhãn mác. Sau khi có phản ánh của về nhãn mác và xuất xứ sản phẩm của Con Cưng, Cục Quản lý thị trường và lực lượng quản lý thị trường các địa phương đã rầm rộ ra quân với 192 cuộc kiểm tra các cửa hàng của hệ thống siêu thị Con Cưng ở nhiều địa phương. Sau các ầm ĩ, Cục Quản lý thị trường ra văn bản xử phạt vi phạm hành chính tổng cộng 250 triệu đồng đối với 11 lỗi của Công ty cổ phần Con Cưng.

Tuy nhiên, cùng với việc tìm ra các vi phạm của Con Cưng, ngày 4/10, Bộ Công Thương công bố Kết luận số 8056/KL-BCT về kết quả rà soát, kiểm tra đánh giá lại quy trình kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với Công ty cổ phần Con Cưng của Cục Quản lý thị trường và đánh giá hoạt động của Đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương. Kết luận cũng cho thấy có nhiều vi phạm của lực lượng quản lý thị trường trong quá trình thi hành công vụ.

Cụ thể, trong quá trình thực hiện các hoạt động kiểm tra, các công chức lãnh đạo Cục Quản lý thị trường là ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng và ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật và của Bộ Công Thương về phát ngôn, ảnh hưởng đến hoạt động quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, gây ra những hiệu ứng không tốt, hiểu sai, hiểu chưa đúng bản chất sự việc trong dư luận xã hội cũng như gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Trước các vi phạm xảy ra, Bộ Công Thương cho hay, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã thông báo Đảng ủy Bộ Công Thương về các dấu hiệu vi phạm của các đảng viên trong thực thi công vụ theo Quy chế phối hợp để xem xét xử lý về đảng đối với đảng viên Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường và đảng viên Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường.
Bộ Công Thương cũng giao Vụ Tổ chức cán bộ trình lãnh đạo bộ về trình tự thủ tục xem xét xử lý cán bộ công chức có dấu hiệu vi phạm theo các quy định của pháp luật đối với ông Nguyễn Trọng Tín và ông Trần Hùng.

Ông Trịnh Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, người đứng đầu cơ quan cũng sẽ bị Vụ Tổ chức cán bộ trình lãnh đạo Bộ tổ chức họp rút kinh nghiệm.

Doanh nghiệp điêu đứng vì quản lý thị trường 'làm ẩu' ảnh 1 Dù được minh oan sau đó nhưng Vietfoods đã bị thiệt hại nặng nề sau tin xúc xích gây ung thư của quản lý thị trường Hà Nội

Trước vụ việc Con Cưng, vụ Quản lý thị trường Hà Nội cũng từng nổi tiếng khi “ra tay” và gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng với doanh nghiệp sản xuất xúc xích mang thương hiệu Viet Foods.

Sự việc xuất phát từ tháng 5/2016, Công ty TNHH TM Thực phẩm Hùng Anh - một doanh nghiệp tư nhân chuyên sản xuất, kinh doanh xúc xích đã có đơn tố cáo khẩn cấp lên Thủ tướng việc bị một đội quản lý thị trường lạm quyền, tùy tiện kiểm tra, tạm giữ và thông tin cho các cơ quan báo chí sản phẩm mang nhãn hiệu Viet Foods chứa chất cấm, gây ung thư không có căn cứ pháp luật.

Dù được minh oan sau đó nhưng theo ông Lưu Minh Sang, chủ nhãn hàng Viet Foods, doanh nghiệp này đã bị thiệt hại hàng chục tỷ đồng, niềm tin của người tiêu dùng giảm sút nghiêm trọng và thị phần không biết đến bao giờ mới lấy lại được. Theo đó, Viet Foods đã phải đối mặt với những ngày tháng đen tối nhất khi phải tạm ngưng sản xuất, trên 100 công nhân phải nghỉ việc, hàng không tiêu thụ được và bị đại lý trả về do người tiêu dùng quay lưng.

Hơn 8 tháng sau sự việc trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trên cơ sở báo cáo của Bộ Y tế, Bộ Công Thương đã yêu cầu UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân có sai phạm trong vụ việc kiểm tra sản phẩm xúc xích nhãn hiệu Viet Foods xảy ra tại Đội QLTT trên theo đúng quy định của pháp luật.

Ngày 20/9/2016, Hội đồng kỷ luật Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội họp, bỏ phiếu với kết quả: không đề xuất kỷ luật và kiến nghị hình thức phê bình, rút kinh nghiệm trước toàn lực lượng quản lý thị trường Hà Nội.

Còn tại TPHCM, sau hàng loạt những sai phạm nghiêm trọng như vu cáo, dùng đơn tố cáo giả để “bức tử” doanh nghiệp tới cùng… ông Lý Ngọc Thắng, đội trưởng Đội QLTT 3A đã bị cách chức.

Chi cục QLTT TP.HCM cho biết, lý do của việc kỷ luật trên xuất phát từ việc ông Lý Ngọc Thắng là người trực tiếp tổ chức, điều hành Đội QLTT 3A trong vụ việc kiểm tra Công ty TNHH Hóa mỹ phẩm Xuân Lan 727 (Công ty Xuân Lan 727), để xảy ra những sai phạm, thiếu sót về chuyên môn nghiệp vụ, gây bức xúc và ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, dẫn đến Công ty Xuân Lan 727 đã tố cáo đến cơ quan chức năng và khởi kiện ra tòa yêu cầu bồi thường thiệt hại về kinh tế, uy tín của doanh nghiệp. Đồng thời, sự việc trên đã gây dư luận không tốt đối với Đội QLTT 3A, Chi cục QLTT TP.HCM và lực lượng QLTT cả nước.

Còn tại Hòa Bình, Kết luận thanh tra của Thanh tra tỉnh Hòa Bình về hoạt động (trong 2 năm 2014 - 2015) đối với Chi cục QLTT tỉnh Hòa Bình và các Đội QLTT trực thuộc cho thấy có nhiều sai phạm. Trong đó, đáng chú ý là có trường hợp không vi phạm vẫn bị xử phạt, vi phạm nhỏ nhưng lại áp dụng hình thức xử phạt lớn, trong khi có trường hợp lại được “nương nhẹ” trong xử phạt.

Theo đó, qua kiểm tra 3.402 hồ sơ kiểm tra và kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm hành chính (VPHC) của 10 đội QLTT thuộc Chi cục QLTT tỉnh Hòa Bình, đã phát hiện có nhiều sai phạm. Trong đó, có tới 508 vụ thực hiện ghi thời hạn thi hành quyết định xử phạt VPHC chưa đúng quy định tại Khoản 2 Điều 68 Luật Xử lý VPHC. 169 vụ có thiếu sót trong thiết lập, ghi biên bản kiểm tra. 59 vụ chưa thực hiện đúng thông báo cho đối tượng được kiểm tra ít nhất 03 ngày làm việc trước khi tiến hành kiểm tra. 21 vụ quyết định xử phạt cảnh cáo nhưng chưa lập biên bản VPHC, sử dụng mẫu quyết định xử phạt chưa phù hợp…

Kết luận Thanh tra cho thấy, việc áp dụng mức xử phạt VPHC “có vấn đề”, như vi phạm nhỏ nhưng lại áp dụng hình thức xử phạt lớn. Điển hình, có 01 hồ sơ của Đội QLTT số 10 Lương Sơn xử phạt Cơ sở sản xuất tấm lợp thuộc Công ty TNHH Dịch vụ thương mại và sản xuất Thiên Trường. Hồ sơ thể hiện tình tiết giảm nhẹ nhưng quyết định xử phạt lại áp dụng mức phạt tối đa của khung tiền phạt. Thanh tra Tỉnh Hòa Bình khẳng định, điều này là chưa đúng quy định tại Khoản 4 Điều 23 của Luật Xử lý VPHC.

Bên cạnh đó, có 03 hồ sơ của Đội QLTT số 1 Yên Thủy xử phạt 3 cá nhân về hành vi “Không niêm yết giá hàng hóa tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định’’ (tái phạm). Theo Kết luận Thanh tra, việc áp dụng mức tiền cao nhất của khung phạt để xử phạt là chưa đúng quy định tại Khoản 2 Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Đặc biệt, có tới 8 hồ sơ có thể hiện hành vi vi phạm pháp luật, nhưng lại không bị xử phạt. Cùng với các vụ việc trên, Thanh tra tỉnh Hòa Bình cũng cho biết, đã phát hiện tới 32 hồ sơ chưa đủ cơ sở xử phạt tiền về hành vi “Không niêm yết giá hàng hóa tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định’’. Theo đó, hành vi này vi phạm lần đầu thì bị xử phạt cảnh cáo, chỉ bị phạt tiền khi vi phạm lần thứ 2 trở lên. Tuy nhiên, trong 32 hồ sơ lại không thể hiện cơ sở kinh doanh đã vi phạm lần 1 để làm cơ sở cho việc xử phạt tiền.

Tại Hội nghị triển khai Quyết định số 34 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường ngày 22/8 vừa qua, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, những hành vi tắc trách vì sự thiếu hiểu biết chuyên môn cũng là không thể chấp nhận được và không thể dung dưỡng đối với lực lượng quản lý thị trường cũng như trong một bộ máy mới của tổ chức bộ máy Bộ Công Thương.

“Thực trạng vừa qua cũng cho thấy, ở một số bộ phận, một số cá nhân có những hành vi tiêu cực. Đó là những bài học rất đau đớn và chua xót, cần nghiêm túc khắc phục để hoàn thiện mình trong thời gian tới”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói

MỚI - NÓNG