Bộ trưởng Trần Hồng Hà: 'Cung cấp nước bẩn cho dân có thể bị đi tù'

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà
TPO - “Đây là kinh doanh nước, cung cấp sản phẩm về nước, biết nước bẩn mà vẫn cung cấp thì trường hợp đó thứ nhất với các hộ sử dụng nước ký hợp đồng có thể kiện. Thuốc giả cung cấp có thể đi tù thì nước bẩn cũng có thể đi tù”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ.

Bên lề kỳ họp Quốc hội chiều 22/10, trao đổi với PV về các quy trình, quy phạm quản lý an toàn các nguồn nước để cấp nước sinh hoạt, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, điều này phải tuân thủ theo các quy định của Bộ Xây dựng, dưới sự chỉ đạo trực tiếp và toàn diện của Bộ Xây dựng. Còn quy hoạch mạng lưới tổng hợp tài nguyên nước ở lưu vực sông phải đưa ra quy chế điều tiết, phân bổ nguồn nước, đó là trách nhiệm của Bộ TNMT.

Bộ trưởng thấy sao khi các chuyên gia cảnh báo rất nhiều về an ninh nguồn nước không đảm bảo, tuy nhiên gần đây các sự cố lại xảy ra ngày càng nhiều hơn, điển hình nhất là vụ nước Sông Đà nhiễm dầu thải vừa qua?

Đây này là sự cố hoàn toàn hy hữu, mang chất thải đổ vào nguồn nước. Đây là sự cố mang tính chất vi phạm nghiêm trọng, đổ chất thải vào môi trường mà môi trường này lại là môi trường nước uống nên hết sức nghiêm trọng.

Rộng hơn nói về an ninh nguồn nước là kiểm soát được số lượng, chất lượng và phải xem nhu cầu sử dụng nước cho sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp. Phải cân đối được, không thể phát triển khi nguồn nước không có đủ, và không thể bằng mọi giá khi chúng ta thiếu nước cho nhu cầu.

Mình phải có bài toán trong vấn đề khai thác sử dụng và phải điều tra, đánh giá được trữ lượng của nguồn nước, cân đối dự kiến thượng nguồn giữ nước vì khan hiếm nước là xu hướng rất rõ của tương lai.

Vụ việc đổ dầu thải ở đầu nguồn nước sông Đà trên Hòa Bình điển hình cho việc thiếu bảo vệ nguồn nước, thưa Bộ trưởng?

Đúng. Từ việc này phải xem lại cả 2 khía cạnh. Xem ta có thiếu chủ động trong ban hành các cơ chế chính sách pháp luật không. Hai là thực thi chính sách pháp luật, đó là doanh nghiệp. Ba là chuyển từ DNNN, tức là Nhà nước đảm bảo nước sạch giờ chuyển sang cổ phần của công ty tư nhân thì có mặt được. Thế nhưng có nhiều điều phải đánh giá giữa các cơ quan nhà nước ở địa phương và doanh nghiệp tư nhân trong bảo vệ an toàn nguồn nước.

Họ chưa có quy định rõ ràng, mặc dù là tư nhân nhưng trách nhiệm của Nhà nước có nhiệm vụ nào, phải rà soát lại. Vụ việc này là cảnh báo đỏ cho bảo vệ an ninh nguồn nước, đặc biệt là nước cấp cho mục đích sinh hoạt của người dân.

Nhiều người lo ngại đây là đổ dầu thái, nếu người ta lại đổ các chất độc khác nguy hiểm hơn, lúc đó không biết sức khỏe, tính mạng của người dân sẽ ra sao?

Điều đó hoàn toàn có thể xảy ra, nếu chúng ta đã để tình trạng quản lý lỏng lẻo và chất lượng của nhà quản lý, cung cấp nước kém thế này thì rõ ràng có thể có nhiều kịch bản có thể xảy ra, không loại trừ kịch bản nào. Từ vụ việc cho thấy công tác kiểm soát an ninh nguồn nước có vấn đề lớn.

Thái độ bức xúc của người dân cũng là thái độ của tôi, vì tôi cũng phải ăn nước đó mất 3 ngày. Rõ ràng đây không phải bàn gì nhiều mà thực tế thiếu đưa ra các giải pháp đúng đắn và kịp thời. Họ đã ko chú ý đến sức khỏe và lường hết các vấn đề tác hại có thể gây cho mọi người, hết sức vô trách nhiệm và thiếu hiểu biết.

Vậy chế tài trong trường hợp này là gì khi lời xin lỗi từ phía đơn vị cấp nước cũng không có, thưa Bộ trưởng?

Cái này cứ để các cơ quan pháp luật thực hiện. Chúng ta có đầy đủ các quy định của pháp luật để xử lý họ. Đây là kinh doanh nước, cung cấp sản phẩm về nước, biết nước bẩn mà vẫn cung cấp thì trường hợp đó thứ nhất với các hộ sử dụng nước ký hợp đồng có thể kiện. Về sức khỏe của dân, cung cấp sản phẩm ra thị trường mà đó là sản phẩm bẩn thì có thể xử lý theo quy định. Thuốc giả cung cấp có thể đi tù thì nước bẩn cũng có thể đi tù. Cái đó chờ cơ quan pháp luật, khi có tòa án, VKS chúng ta hãy nói và kết luận.

Trước mắt tôi cho rằng những người tham gia đổ dầu và cung cấp nước bẩn thì theo quy định pháp luật phải xử lý hết sức nghiêm khắc.

MỚI - NÓNG