Nhà nước phải duyệt giá nhà ở xã hội
Tại phiên thảo luận ở tổ chiều 19/6, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc góp ý về Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi.
Liên quan phát triển nhà ở xã hội, ông viện dẫn điều 80, khoản 3, dành tỷ lệ nhất định tiền sử dụng đất để xây dựng cơ sở hạ tầng, Bộ trưởng Phớc đề nghị bỏ nội dung này, vì trái với Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Đầu tư công. “Tiền sử dụng đất phải được nộp vào ngân sách và bố trí chi theo dự toán được duyệt”, Bộ trưởng Phớc nhấn mạnh.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh Như Ý |
Về chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội, dự thảo quy định việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo pháp luật liên quan, có cả việc đấu thầu, ông đề nghị sửa lại theo hướng UBND địa phương tổ chức đấu thầu, có thể chỉ định thầu, hoặc đấu thầu, không nên bị bó hẹp trong quyết định chủ quan của UBND cấp tỉnh.
Về cơ chế ưu đãi cho cải tạo nhà chung cư, tại điều 66, dự thảo quy định miễn tiền thuê đất và tiền sử dụng đất. “Theo tôi, nên quy định cụ thể chỉ miễn tiền sử dụng đất với phần đất xây dựng nhà chung cư cũ, các phần khác không được, nếu miễn cả khu đất theo quy hoạch thì không nên”, Bộ trưởng Bộ Tài chính góp ý.
Về vay vốn từ quỹ phát triển đất để thực hiện dự án cải tạo và xây dựng chung cư, ông cũng cho rằng, quy định này không đúng với Luật Đất đai, bởi Luật Đất đai quy định quỹ phát triển đất dùng để ứng vốn cho các tổ chức phát triển quỹ đất và các tổ chức khác thực hiện giải phóng mặt bằng và tạo quỹ đất mới theo quy hoạch được duyệt, không thể lấy để xây dựng.
Về nhà ở xã hội, Bộ trưởng Phớc cho rằng, dự án do Nhà nước hay tư nhân bỏ vốn xây dựng cũng đều phải duyệt giá. Vì nhà ở xã hội thì Nhà nước không thu tiền sử dụng đất, đối tượng được mua là có điều kiện và được Nhà nước duyệt. Do vậy, nếu doanh nghiệp ngoài Nhà nước xây dựng thì phải duyệt giá, vì đây chỉ là tài sản hình thành trên đất.
“Nếu xây một m2 nhà ở xã hội hết 10 triệu, thì chỉ cho bán 15 – 17 triệu thôi. Nếu càng tiết kiệm càng có lời, chứ không thể chủ doanh nghiệp được quyết định giá bán ăn địa tô chênh lệch, hay tiền sử dụng đất được tính vào giá bán thì không được. Phải bảo vệ quyền lợi cho người mua nhà và không để trục lợi. Tôi cho rằng, phải duyệt giá với nhà ở xã hội, dù Nhà nước hay tư nhân đầu tư”, ông nói.
Các đại biểu tham gia thảo luận tại tổ. Ảnh: Như Ý |
"Tiền trao cháo múc"
Về Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi, Bộ trưởng Phớc đề nghị nghiên cứu quy định năng lực tài chính đối với các chủ đầu tư được cấp phép các dự án kinh doanh bất động sản, đảm bảo họ đủ năng lực tài chính triển khai dự án.
Bộ trưởng Tài chính cũng đề cập đến việc không cấp được sổ đỏ cho hàng trăm ngàn người dân, vì chủ đầu tư nợ ngân sách. Quy định của Luật Đất đai, giao đất cho doanh nghiệp mới xác định tiền sử dụng đất. Khi doanh nghiệp không nộp được mới xử phạt chậm nộp, mà tiền phạt lại thấp hơn lãi suất ngân hàng.
Do vậy, việc doanh nghiệp bán, thu tiền của người dân rồi đi kinh doanh dự án khác, sử dụng tiền vào việc khác, không nộp tiền vào ngân sách, khiến người dân không được làm sổ đỏ. Từ đó xảy ra nhiều bất ổn khi người dân khiếu nại quyền lợi.
“Tôi đề nghị phải có thiết kế quy định để doanh nghiệp thực hiện đúng nghĩa vụ tài chính. Nếu không thì không giải quyết được. Nếu doanh nghiệp vi phạm, lừa đảo, cùng lắm bắt đi tù nhưng hàng chục ngàn sổ đỏ của người dân ai giải quyết?”, ông Phớc nêu.
“Nếu doanh nghiệp không nộp tiền thì không thể giải quyết được, làm mất lòng tin, gây bất ổn. Nên tôi đề nghị phải nộp tiền và ngân sách mới giao đất, 'tiền trao cháo múc' để tránh sau này đi đòi nợ”, ông nói.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Phớc cũng đề nghị không nên quy định chính sách thuế vào trong quy định này. Theo ông, quy định “Giao cho Chính phủ điều tiết hoạt động kinh doanh bất động sản thông qua chính sách thuế” là không đúng thẩm quyền quy định. “Đây là thẩm quyền của Quốc hội vì liên quan đến điều chỉnh thuế suất”, Bộ trưởng Tài chính cho hay.