Đã phê duyệt đầu tư 12 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam
Sáng 23/5, trong ngày làm việc thứ 2, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, đại diện Chính phủ, báo cáo Quốc hội kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2022, trong đó đề cập cụ thể đến tiến độ triển khai, thực hiện dự án đầu tư lớn, trọng điểm quốc gia.
Đối với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, Bộ trưởng cho biết, đến ngày 16/12/2022 công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn một số công trình hạ tầng kỹ thuật đang di dời.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Như Ý |
Tổng nguồn vốn NSNN tham gia thực hiện dự án là 78.461 tỷ đồng, đến nay đã bố trí 48.536 tỷ đồng (trong đó kế hoạch năm 2022 là 16.034,398 tỷ đồng); kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 còn lại chưa giao kế hoạch năm cho dự án là 29.933 tỷ đồng.
Lũy kế vốn NSNN giải ngân đến ngày 31/01/2023 là 46.871,8 tỷ đồng, đạt 70,7% tổng kế hoạch được giao (trong đó thuộc kế hoạch năm 2022 là 15.068,9 tỷ đồng, đạt 94% kế hoạch năm 2022 được giao).
"Tình trạng Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chậm ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) chưa được khắc phục, diễn ra nhiều năm, cho thấy người đứng đầu các cơ quan, tổ chức chưa coi trọng, chưa chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về việc xây dựng, triển khai Chương trình THTK, CLP trong Bộ, ngành, địa phương, đơn vị, làm ảnh hưởng đến việc triển khai và kết quả thực hiện Chương trình tổng thể THTK, CLP của Chính phủ", Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh.
Về dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, ông Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ GTVT đã phê duyệt đầu tư 12 dự án thành phần và được chia thành 25 gói thầu để thực hiện chỉ định thầu theo quy định.
Các địa phương đã cơ bản hoàn thành công tác trích đo tại thực địa đạt 100% và công tác kiểm kê tài sản trên đất đạt 93,2%; đang tích cực triển khai xây dựng khu tái định cư, đã duyệt phương án đền bù, GPMB và tổ chức thực hiện GPMB bảo đảm khởi công dự án theo quy định.
Theo Bộ trưởng, tổng kế hoạch vốn giai đoạn 2021-2025 đã giao cho dự án 119.644,586 tỷ đồng và đã phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn và 9.521,3 tỷ đồng kế hoạch năm 2022 cho từng dự án thành phần. Tổng số vốn đã giải ngân đến hết ngày 31/01/2023 là 9.409,2 tỷ đồng (đạt 93,3% kế hoạch vốn năm 2022).
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh. Ảnh: Như Ý |
Đối với dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Chính phủ cho biết, tổng mức đầu tư là 22.856 tỷ đồng, tổng lũy kế vốn đã bố trí đến năm 2021 là 22.855,035 tỷ đồng. Đến thời điểm 31/12/2022 dự án đã giải ngân 16.697,647 tỷ đồng (đạt 73% kế hoạch đã giao).
Về 3 dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Biên Hòa - Vũng Tàu; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư 3 dự án trên, được chia thành 10 dự án thành phần và Chính phủ ban hành Nghị quyết để triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội.
Thủ tướng Chính phủ quyết định giao Bộ GTVT là cơ quan chủ quản của 2/10 dự án thành phần, 8/10 dự án thành phần còn lại phân cấp cho các địa phương nơi có dự án đi qua làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư.
Bộ GTVT đã hoàn thiện phương án phân bổ vốn cho các dự án thành phần của 3 dự án gửi Bộ KH&ĐT đang tổng hợp báo cáo Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi giao kế hoạch trung hạn cho các cơ quan chủ quản để thực hiện đầu tư các dự án thành phần.
Ngày 16/11/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới trình Chính phủ có ý kiến về việc điều chỉnh giảm 8.528 tỷ đồng (trong đó 7.324 tỷ đồng của 3 dự án trên) nguồn vốn thuộc Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế xã hội từ Bộ Giao thông vận tải để điều chỉnh tăng tương ứng về cho các địa phương để thực hiện các dự án thành phần của các dự án đường cao tốc.
|
Nhiều văn bản đôn đốc nhưng vẫn chậm
Về tồn tại, hạn chế, Bộ trưởng cho biết, công tác lập kế hoạch đầu tư vốn NSNN của một số dự án chưa sát với khả năng thực hiện, dẫn đến không phân bổ được hết kế hoạch vốn được giao, còn tình trạng “vốn chờ dự án đủ thủ tục”, dự kiến vốn trước rồi mới tiến hành làm thủ tục đầu tư hoặc thực hiện các thủ tục gia hạn Hiệp định, dẫn tới kéo dài thời gian bố trí vốn đối với dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
Cũng theo Bộ trưởng, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp so với kế hoạch được giao, đặc biệt là nguồn vốn Quốc hội bổ sung cho Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, chưa tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, còn một số Bộ, ngành, địa phương giải ngân dưới 50% kế hoạch năm 2022. Trong đó, Uỷ ban dân tộc (1,92%), Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (3,56%), Viện Khoa học công nghệ Việt Nam (10,02%), Bộ Tư pháp (21,59%), Đại học Quốc gia Hà Nội (31,54%), Bộ Ngoại giao (32%)…
Nguyên nhân được Chính phủ chỉ ra, do 2022 là năm thứ hai triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 (thực chất là năm đầu tiên triển khai do kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 mới được Quốc hội thông qua vào tháng 7/2021), là năm các bộ, địa phương bắt đầu khởi công mới nhiều dự án nên thông thường cần từ 6 đến 8 tháng hoàn tất thủ tục nên tiến độ giải ngân vốn của những dự án khởi công mới chỉ được đẩy mạnh vào những tháng cuối năm.
Bên cạnh đó, giá nguyên, nhiên vật liệu, xăng dầu trong những tháng đầu năm 2022 tăng cao, có tình trạng khan hiếm nguồn cung về cát, đất để san lấp mặt bằng... dẫn đến nhà thầu trúng thầu, ký hợp đồng trọn gói thi công cầm chừng, có tâm lý chờ cập nhật, điều chỉnh, công bố giá và chỉ số giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo tháng phù hợp với diễn biến giá thị trường.
“Quá trình hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư còn hạn chế, mặc dù Bộ KH&ĐT đã có nhiều văn bản đôn đốc, hướng dẫn để công tác chuẩn bị đầu tư tốt hơn, tuy nhiên vẫn còn chậm”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu.