Bộ trưởng Tài chính: Nhiều khi phải vì dân, nên có trường hợp đành bất chấp nguyên tắc

0:00 / 0:00
0:00
TPO - “Tôi phải gọi cho Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM, nói tôi sẽ chịu trách nhiệm, bây giờ dân chết phải cho Ban Chỉ đạo chống dịch nhận vắc xin, kit test ngay, nhưng ông này cũng không đồng ý cho xuất hàng", Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay.
Bộ trưởng Tài chính: Nhiều khi phải vì dân, nên có trường hợp đành bất chấp nguyên tắc ảnh 1

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp). Ảnh: Như Ý

Sáng 9/1, Quốc hội thảo luận trên hội trường về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) quan tâm đến đề xuất của Chính phủ về việc bổ sung nguồn viện trợ không hoàn lại số tiền hơn 14.700 tỷ đồng, trong đó phần bổ sung dự toán cho các khoản viện trợ cho phòng chống dịch COVID-19 hơn 11.000 tỷ đồng.

Cho rằng, việc “chi trước, quyết toán sau” là chưa đúng quy định luật ngân sách, song theo ông Hoà, do dịch diễn biến phức tạp, ngân sách khó khăn trong khi rất cần chi phòng chống dịch, nên việc bổ sung dự toán chi là cần thiết.

Trong khi đó, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) quan tâm đến đề xuất chuyển nguồn hơn 5.000 tỷ đồng, hay việc điều chuyển vốn vay lại của các địa phương cũng được Bộ Tài chính tổng hợp rất chậm. “Tôi thấy cũng lạ, từng đơn vị quản lý từng lĩnh vực thì sao lại chậm trễ thế này?”, ông Hạ đặt câu hỏi.

Giải trình, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc lý giải, khoản viện trợ nước ngoài là khoản không có dự toán trước, chỉ khi có biến động, các tổ chức mới tài trợ và thông báo, lúc đó bộ mới báo cho địa phương, hoặc các khoản viện trợ này họ tài trợ trực tiếp địa phương. Vì thế, các khoản tài trợ này thường nhỏ lẻ, bất thường và không có dự toán từ trước.

Bộ trưởng Tài chính: Nhiều khi phải vì dân, nên có trường hợp đành bất chấp nguyên tắc ảnh 2

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Như Ý

Trong giai đoạn 2021- 2022, Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh, đặc thù về chống dịch với các chủ trương như tài trợ kit test, vắc xin và tài trợ trực tiếp, các địa phương tiếp nhận phục vụ chống dịch rồi mới tổng hợp, báo cáo Bộ Tài chính. “Việc làm này nhiều đơn vị rất bị động. Chúng tôi nhiều khi cũng phải vì dân, nên có trường hợp đành bất chấp nguyên tắc, quy tắc”, ông Phớc cho hay.

Theo Bộ trưởng, vào thời điểm đỉnh dịch, tại TPHCM rất nhiều người chết. Theo quy định, phải có đầy đủ hồ sơ, thủ tục thì Tổng cục Hải quan mới được cho xuất hàng, thông quan. Lúc đó kit test, vắc xin về, nhà tài trợ thông báo và Bộ trưởng Y tế tới nhận nhưng Cục Hải quan TPHCM không cho nhận. Rồi Thứ trưởng Công an lên nhận, Bệnh viện Chợ Rẫy lên nhận cũng không được.

“Tôi phải gọi cho Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM, nói tôi sẽ chịu trách nhiệm, bây giờ dân chết phải cho Ban Chỉ đạo chống dịch nhận vắc xin, kit test, nhưng ông này cũng không đồng ý cho xuất hàng. Lúc đó tôi yêu cầu nếu không cho xuất hàng thì trả chức lại cho bộ và tự chịu trách nhiệm. Lúc này Cục Hải quan TPHCM mới đồng ý cho xuất hàng”, ông Phớc kể.

Mặc dù có rủi ro vì dễ bị “truy trách nhiệm”, song Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, có những lúc phải đảm bảo phục vụ dân, cho xuất hàng trước, hoàn thành thủ tục sau.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.