Từ “2 lên 3 xuống, 5 quy trình”, nay chỉ còn “1 lên 2 xuống”
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đôn đốc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, sáng 21/2, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, cuộc họp nhằm giải quyết vấn đề khó khăn nhưng thực ra đang giải quyết "vấn đề thuận lợi". Bởi vấn đề khó khăn nhất là "đầu tiên là tiền đâu", mà bây giờ có tiền rồi nhưng không làm được (!?)
Bộ trưởng Bộ Tài chính phát biểu tại hội nghị. |
Nói thẳng những vướng mắc hiện tại là "do chúng ta là tự mình gây ra, tự mình đem đá buộc chân mình", ông Phước cho biết, có hai vướng mắc lớn là trong công tác chuẩn bị đầu tư và vấn đề thứ hai là trong việc thực hiện đầu tư.
Ông lấy ví dụ, trong chuẩn bị đầu tư, quy định hiện hành là: Khi có tiền thì mới được lập dự án đầu tư. Tuy nhiên, nếu bố trí được tiền rồi mới lập dự án thì "2 năm sau mới giải ngân được". Để gỡ nút thắt này, Bộ trưởng Bộ Tài chính kiến nghị dùng chi thường xuyên có tính chất đầu tư để lập dự án. Khi được bố trí vốn thì lúc đó sẽ triển khai công tác thực hiện đầu tư. “Chúng ta bố trí vốn xong mới lập dự án đầu tư thì vướng hết”, ông Phớc nói.
Do vậy, Bộ trưởng Tài chính cho rằng các cơ quan có thẩm quyền trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình phải chủ động tháo gỡ các vướng mắc. Đồng thời, phải tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; kịp thời điều chỉnh các đơn giá cho phù hợp với thực tiễn để bảo đảm công trình có chất lượng bền vững.
Về vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, theo quy định, cấp tỉnh phê duyệt đơn giá. Tỉnh phải phê duyệt đơn giá, sau đó về các huyện thành lập các Hội đồng đền bù và phê duyệt các phương án đền bù. “Việc này tôi thấy không có vấn đề gì khó khăn hết”, Bộ trưởng nêu quan điểm.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cũng khẳng định, công tác kế hoạch đầu tư đã được đổi mới, cải tiến nhiều. Nếu như giai đoạn 2016-2020 và trước nữa, quy trình kế hoạch là “2 lên 3 xuống, 5 quy trình” đến nay rút gọn chỉ còn “1 lên 2 xuống”, rút đi rất nhiều nên “không thể nói quy trình kế hoạch vất vả nữa”.
Cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu
Kết luận hội nghị, Thủ tướng yêu cầu quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ. Các cấp, ngành, đơn vị cần xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của các cấp, các ngành năm 2023, tổ chức linh hoạt, sáng tạo trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị. |
Thủ tướng cũng yêu cầu đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Người đứng đầu các cấp, ngành, địa phương phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, rà soát các dự án, nhất là các dự án khởi công mới; kiểm soát chặt chẽ sự cần thiết, quy mô từng dự án theo đúng quy hoạch, mục tiêu đã được duyệt, bảo đảm hiệu quả đầu tư và kết quả đầu ra của từng dự án.
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương tập trung rà soát, phát hiện, xử lý nhanh, kịp thời, hiệu quả các khó khăn, vướng mắc về pháp lý, chủ động xử lý, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp trên trực tiếp. Trong đó, lựa chọn đúng các điểm nghẽn, nút thắt để tập trung giải quyết, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, mang lại hiệu quả, tác động lớn.