Tránh “trăm hoa đua nở”
Ngày 10/6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Đề cập đến quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện (sở ngành, phòng ban), ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang) đồng ý với chủ trương giao Chính phủ quy định, nhưng phải rõ ràng, thống nhất. “Có chăng sự khác nhau chỉ là sự khác biệt ở vùng miền, đô thị, nông thôn. Nhưng sự khác nhau này cũng phải do Chính phủ quy định rõ ràng, tránh trăm hoa đua nở, mỗi nơi mỗi khác như vừa qua sau đó phải tạm dừng, chờ hướng dẫn”, ĐB Lâm nhấn mạnh.
Theo ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương), đặt trong yêu cầu xây dựng nhà nước kiến tạo thì bộ máy nhà nước ở các cấp chính quyền theo kiểu “mặc đồng phục” thực sự chưa giải phóng tiềm năng của từng địa phương, thậm chí ở một số nơi còn xảy ra ở chiều ngược lại. Ông cũng đặt câu hỏi, việc sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương lần này có tháo gỡ được những điểm nghẽn, nút thắt trong bộ máy, biên chế của địa phương, hay chỉ đơn giản là cộng trừ, thêm bớt một cách cơ học?
ĐB đoàn Bình Dương cho rằng, việc quy định số lượng biên chế tối thiểu trong tổ chức như dự thảo chưa thực sự triệt để và xuyên suốt tinh thần đổi mới, nếu không muốn nói là bó buộc điều mà chính dự thảo đang có ý định cởi trói. “Quy định biên chế tối thiểu là cấp bách cho việc thực hiện lộ trình tinh giản biên chế, nhưng không nên dựa vào lý do đó mà bó buộc các địa phương có đặc thù”, ĐB cho hay.
Theo Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường băn khoăn khi quy định số lượng cấp phó cấp vụ không quá 3 người, tổng cục không quá 4 người không được dự án luật nhắc đến. Như vậy số lượng cấp phó đã không bị khống chế cho đến khi có nghị định của Chính phủ và cũng không rõ số lượng này tăng lên hay giảm đi. Trong khi đó đây là nội dung đã được Quốc hội khóa XIII thảo luận kỹ nhằm khắc phục một thực trạng là có quá nhiều cấp phó ở các cơ quan Trung ương.
“Việc xây dựng luật theo hướng luật khung là bước lùi của dự thảo. Có cử tri nói rằng có lẽ chẳng đâu như chúng ta, luật ban hành nhưng Chính phủ không ban hành nghị định thì luật chết ngay”, ĐB Cường cho hay.
Chấm dứt “đẻ” quá nhiều tổ chức bên trong
Giải trình tiếp thu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, việc sửa đổi, bổ sung hai dự án luật lần này nhằm đẩy mạnh phân cấp và ủy quyền, khắc phục tình trạng tỉnh này lên xin cơ chế, tỉnh kia lên xin cơ chế như thời gian qua. Cùng với đó, lần này sẽ đẩy mạnh việc giảm các cơ quan trung gian ở trung ương, trên cơ sở sắp xếp giảm các tổng cục, như vậy sẽ phân quyền nhiều hơn cho địa phương.
Đối với việc tổ chức lại các sở, ngành, phòng ban, lần này cũng giao cho Chính phủ quy định khung của cơ quan chuyên môn, khắc phục tình trạng giao cứng, trong khi nhiều địa phương không cần thiết nhưng vẫn thành lập.
“Nghĩa là phải có quy định khung quản lý thống nhất trong cả nước và có quy định số đơn vị cần nghiên cứu để sáp nhập, hợp nhất, chứ không phải để địa phương muốn sáp nhập sở tùy thích. Như vậy, nếu muốn sáp nhập thì phải nằm trong khung của Chính phủ quy định. Những đơn vị đặc thù nếu duy trì tồn tại thì phải có tiêu chuẩn, điều kiện để thành lập, nếu không đủ thì sáp nhập vào văn phòng”, ông Tân lý giải.
Bên cạnh đó, trong quy định cũng nói rõ việc quy định biên chế tối thiểu và số lượng cấp phó tối đa, nhằm khắc phục tình trạng sinh ra quá nhiều cơ cấu, tổ chức bên trong.
Về số lượng cấp phó, theo ông Tân, việc tăng thêm Phó Chủ tịch UBND cấp xã loại 2 không làm tăng thêm biên chế và số biên chế của xã sẽ giảm đi do sáp nhập trong lộ trình 5 năm theo nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Chính phủ.
Đối với Thường trực Hội đồng nhân dân, nếu Chủ tịch Hội đồng nhân dân là chuyên trách thì có thể một cấp phó chuyên trách. Như vậy, trong các lãnh đạo của Hội đồng nhân dân có không dưới hai chuyên trách.