Chậm sửa đổi, khiến việc quản lý gặp khó
Theo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp, việc thí điểm thực hiện taxi công nghệ đã thực hiện được gần 4 năm, song đến nay vẫn chưa ban hành văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh.
Điều này dẫn đến xuất hiện sự cạnh tranh không lành mạnh giữa nhiều hãng taxi, taxi công nghệ hoạt động cả ở các địa phương không được thí điểm, gây khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước và ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Cụ thể, theo phản ánh của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hình thức hợp đồng điện tử không phép, cạnh tranh trực tiếp và làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các loại hình kinh doanh vận tải hành khách được Nhà nước cấp phép trên địa bàn,...
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, Bộ GTVT đã có văn bản trả lời cho biết đang “sửa đổi, bổ sung Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô”, trong đó có liên quan đến taxi công nghệ. “Đây là vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm, kiến nghị Bộ GTVT khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi trong năm 2019”, bà Hải nhấn mạnh.
Trong khi đó, báo cáo tới Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thừa nhận, đây là một trong các nghị định hết sức phức tạp và rất khó khăn, nên trên ba năm qua vẫn chưa ban hành. Trong khi đó, tính đến thời điểm tháng 6/2019, có khoảng 70.000 xe ô tô ứng dụng hợp đồng điện tử. Những xe này có nhiều điểm tương đồng với taxi và cần có quy định chung để quản lý như nhau nhằm đảm bảo sự cân bằng, công khai minh bạch và chịu quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh như nhau.
Đảm bảo công bằng, cạnh tranh lành mạnh
Để quản lý chặt chẽ đối với xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách dưới 9 chỗ (kể cả người lái xe) sử dụng hợp đồng điện tử, đảm bảo công bằng đối với xe taxi, Bộ GTVT đã đề xuất quy định, xe sử dụng hợp đồng vận chuyển hành khách điện tử phải báo cáo thông tin về hợp đồng trước khi vận chuyển; phải có thiết bị để truy cập vào nội dung của hợp đồng và truy cập để xem danh sách hành khách; giao diện của người thuê vận tải phải hiện diện thương mại của đơn vị kinh doanh vận tải và các phương tiện kinh doanh thuộc đơn vị để người thuê vận tải thực hiện lựa chọn, đàm phán về hành trình, thời gian và giá trị hợp đồng.
Cơ quan quản lý cũng đề xuất quy định trong thời gian 1 tháng, xe ôtô kinh doanh vận tải khách bằng xe taxi, xe ôtô sử dụng hợp đồng vận chuyển hành khách dưới 9 chỗ phải có thời gian hoạt động tại địa phương nơi cấp phù hiệu tối thiểu 70% tổng thời gian hoạt động trong tháng; xác định thời gian hoạt động được thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình.
Xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE HỢP ĐỒNG” trên kính phía trước và kính phía sau xe theo quy định; kích thước tối thiểu của cụm từ “XE HỢP ĐỒNG” là 06 x 20 cm; cụm từ “XE HỢP ĐỒNG” phải được làm bằng vật liệu phản quang”.
Bộ trưởng Giao thông cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện tập huấn nghiệp vụ vận tải và an toàn giao thông cho lái xe thuộc đơn vị theo quy định.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, mới đây đã có công văn báo cáo, đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, sớm ban hành nghị định quy định mới về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô.