Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung: Hỗ trợ 3 tháng tiền thuê trọ cho công nhân

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, trong năm mới 2022, sẽ triển khai gói hỗ trợ trị giá 6.600 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ tiền mặt cho người lao động thuê trọ. Đây là một trong các giải pháp nhằm khôi phục thị trường lao động sau dịch COVID-19.

Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho hay, trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, vấn đề an sinh là một trong 5 nội dung quan trọng, trong đó có phục hồi thị trường lao động.

Để phục hồi thị trường lao động, ngân sách nhà nước dự kiến trích 6.600 tỷ đồng để hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động, gồm: Hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà, tiền thuê trọ với người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm; hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà trọ với mức gấp đôi nhóm trên với người lao động quay lại thị trường (để thu hút trở lại người lao động đã về quê). Tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn không có lãi suất để trả lương cho người lao động cho đến hết hết 31/3/2022.

Bên cạnh đó, người lao động được vay vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất, với mức vay có thể tới hàng trăm triệu đồng.

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung: Hỗ trợ 3 tháng tiền thuê trọ cho công nhân ảnh 1

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung (phải) tặng quà Tết cho người lao động khó khăn tại Thanh Hoá. Ảnh: MLS.

Cũng theo ông Dung, để công nhân ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh tối thiểu về nhà ở, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ triển khai gói tín dụng lớn nhất từ trước tới nay với lãi suất rất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp vay xây dựng ký túc xá, nhà ở cho công nhân mua hoặc thuê; một phần cho công nhân vay lãi suất thấp mua nhà giá rẻ.

Năm nay cũng tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp đào tạo nghề cho người lao động theo gói hỗ trợ trị giá 7.500 tỷ đồng đã được cung cấp.

Dự kiến, trước ngày 15/2/2022, Bộ LĐ-TB&XH sẽ trình Chính phủ để báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua gói 6.600 tỷ đồng hỗ trợ người lao động cũng như chính sách cho vay phục hồi sản xuất.

Bên cạnh đó, ngành LĐ-TB&XH cũng tập trung cho đào tạo nâng cao tay nghề người lao động đáp ứng nhu cầu thị trường; xây dựng hệ thống an sinh hướng tới mọi người dân đều được tham gia và thụ hưởng các chính sách, nhằm mục tiêu phòng ngừa, giảm thiểu và ngăn chặn các rủi ro với mọi người dân.

Theo ông Dung, do ảnh hưởng dịch COVID-19, tới quý 3/2021, cả nước đã có hơn 28,2 triệu người bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch. Trong đó, đã có 4,7 triệu người bị mất việc làm; 14,7 triệu người phải tạm nghỉ việc/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 12 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên; 18,9 triệu lao động giảm thu nhập...

Tỷ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp tăng cao, trong đó, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,98%, cao nhất 10 năm qua.

Để hỗ trợ người lao động và người dân gặp khó khăn do dịch bệnh, ngành LĐ-TB&XH đã phối hợp với các bộ ngành liên quan đề xuất các cấp thẩm quyền ban hành và triển khai một số gói hỗ trợ. Đến nay, các gói an sinh đã giải ngân hơn 76.000 tỷ đồng, hỗ trợ tới 44 triệu lượt người khó khăn.

MỚI - NÓNG