Chiều 12/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Bộ luật Lao động sửa đổi. ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP HCM) băn khoăn về quy định mở rộng khung giờ làm thêm tối đa.
Theo ĐB Tâm, cần xem xét ở góc độ đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người lao động với người sử dụng lao động. Bà Tâm cho rằng, nếu nhìn vào bản chất của vấn đề, có lẽ việc làm thêm giờ đang đi ngược lại sự tiến bộ xã hội.
“Thử tính xem một năm người lao động làm bao nhiêu giờ, có bao nhiêu thời gian để nghỉ ngơi, phục vụ các nhu cầu khác như việc học tập, giải trí, xây dựng gia đình, chăm sóc con cái, nghỉ ngơi”, bà Tâm nói.
Bà Tâm nêu vấn đề, thực tiễn cho thấy lao động cần làm thêm để có thu nhập trang trải cuộc sống, nhưng nếu hỏi về nhu cầu thì “không ai có nhu cầu đi làm quần quật suốt ngày. Ai cũng có nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí, chăm sóc, lo cho con cái”.
ĐB Nguyễn Quang Tuấn (đoàn Hà Nội) tranh luận với quan điểm này, cho rằng luật đã quy định người lao động tự nguyện tham gia, không bắt buộc làm thêm giờ. Theo ông Tuấn, bất kỳ người lao động nào cũng có quyền làm thêm giờ để có thêm thu nhập cho gia đình, để xây dựng xã hội tốt hơn.
Ông Tuấn cũng cho rằng, một số nghề nghiệp như lái xe đường dài, lái xe bus, máy bay có thể không cho làm thêm giờ, thậm chí có quy định cụ thể, đảm bảo sức khỏe và sự tỉnh táo để không gây tai nạn.
Ông Tuấn cũng nêu, hàng trăm ngàn cán bộ, nhân viên y tế hiện vẫn phải làm thêm rất nhiều. “Tuy nhiên, câu chuyện ở đây là tiền trực quá thấp. Nếu trực suốt ngày suốt đêm được thêm 115.000 đồng ở đơn vị y tế loại 1, còn đơn vị y tế loại 2 được 95.000 đồng. Số tiền phụ cấp này không đủ để tái tạo sức lao động”, ông Tuấn thông tin.
ĐB Trương Phi Hùng (đoàn Long An) tán thành với việc mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa và áp dụng trong trường hợp đặc biệt, phù hợp tổng hòa các yếu tố về kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, có tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nhất là đáp ứng nhu cầu quyền lợi chính đáng có thật của người lao động và người sử dụng lao động. Tuy nhiên, phải có quy định chặt chẽ để tránh áp dụng tùy tiện.
Ông Hùng cũng cho rằng, việc điều chỉnh tuổi hưu cần có tầm nhìn dài hạn, lộ trình phù hợp với tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, thất nghiệp, tính đến những ngành nghề đặc biệt...
“Hàng năm nước ta có khoảng 200.000 sinh viên tốt nghiệp ra trường, đó là đội ngũ trẻ, khỏe, đủ năng lực, và là nguồn nhân lực có chất lượng. Nếu chúng ta áp dụng ngay quy định tăng tuổi nghỉ hưu, rõ ràng có một phần cản trở lực lượng lao động trẻ. Vì vậy, theo quan điểm của tôi, vấn đề tăng tuổi hưu cần phải tính toán kỹ”, ông Hùng nói.
Giải trình thêm một số vấn đề, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa là nhu cầu có thực của doanh nghiệp và một bộ phận người lao động. Chính phủ đề xuất chỉ áp dụng với một số ít ngành nghề ở những thời điểm nhất định và không áp dụng ở khu vực công.
Về điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, Bộ trưởng Dung cho rằng, đây là xu hướng tất yếu và yêu cầu thực sự cần thiết của đất nước. Tuy nhiên, theo ông Dung, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu chưa bao giờ là dễ, hầu như các nước đều gặp phải khó khăn khi điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. Kinh nghiệm của các nước đều quyết định tăng tuổi hưu khi còn thặng dư lao động, lộ trình tăng chậm, phân loại đối tượng theo các nhóm.
“Thường người dân và người lao động không đồng tình nhưng vì lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc lâu dài nên các nước đều quyết định”, ông Dung nói.