Chiều 11/11, Quốc hội dành phần lớn thời gian chất vấn nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực kế hoạch và đầu tư. Người đăng đàn trả lời là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Tham gia trả lời cùng còn có các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Lê Văn Thành; bộ trưởng các bộ: Tài chính, Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất
11/11/2021 15:10
Xây dựng chương trình tổng thể phục hồi kinh tế
Phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trước tác động của đại dịch, bộ đã chủ động lắng nghe ý kiến từ công động doanh nghiệp, khảo sát thực tế để tham mưu cho Chính phủ ban hành các giải pháp khắc phục khó khăn. Bên cạnh các chính sách đã ban hành, để kịp thời khắc phục các khó khăn đưa đất nước phát triển thích ứng, bền vững, hoàn thành các kế hoạch đã đề ra, bộ đang nghiên cứu tham mưu xây dựng chương trình tổng thể phục hồi kinh tế trình Quốc hội trong kỳ họp tới. Bộ mong muốn nhận được các ý kiến sâu sắc của các đại biểu để hoàn thiện chương trình phục hồi kinh tế, trình cấp có thẩm quyền xem xét.
11/11/2021 15:11
Sức lực của nhiều doanh nghiệp đã bị “bào mòn”
Trước đó, trong báo cáo về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội Khóa XV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sau nhiều tháng liền chống chọi với những khó khăn do dịch COVID-19, sức lực của nhiều doanh nghiệp đã bị “bào mòn”.
Trước thực tế này, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các hợp tác xã, doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tuy nhiên, quy mô các chính sách hỗ trợ còn tương đối thấp, chủ yếu tác động về phía cung, chưa thực sự hỗ trợ mạnh mẽ cho người dân, doanh nghiệp; chưa có giải pháp tổng thể cùng với nguồn lực để thúc đẩy phục hồi đồng bộ cả về phía cung và phía cầu của nền kinh tế.
11/11/2021 15:11
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần sớm ban hành và triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh COVID-19 để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, bắt kịp xu thế phục hồi và phát triển của thế giới.
11/11/2021 15:13
11/11/2021 15:22
Gói hỗ trợ phục hồi nền kinh tế phải có quy mô đủ lớn
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) đề nghị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đánh giá kinh nghiệm phục hồi kinh tế của thế giới; đồng thời những định hướng lớn trong chương trình tổng thể phục hồi kinh tế của Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, các nước trên thế giới có chính sách, quyết sách nhanh, gói quy mô lớn, chưa có tiền lệ, bất chấp kỷ luật về tài chính. Các nước chấp nhận bội chi ngân sách, tăng nợ công. Nhờ đó sau khi tiêm phủ vắc xin, các nước này đã hồi phục kinh tế rất nhanh. Các nước cũng bỏ ngân sách đầu tư rất lớn cho cơ sở hạ tầng để kích thích sự hồi phục và phát triển kinh tế.
Về quan điểm chương trình tổng thể phục hồi nền kinh phải có quy mô đủ lớn, phải đảm bảo kinh tế, vi mỗ, hỗ trợ cả cung và cầu cho nền kinh tế. Thực hiện linh hoạt chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Phải thực hiện chính sách hỗ trợ cả ngắn hạn và dài hạn. Các chính sách phải khả thi bảo đảm, hỗ trợ trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với khả năng vay và trả.
Mục tiêu là phục hồi nhanh và thích ứng linh hoạt với dịch bệnh. Đồng thời đảm bảo mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2021- 2025 là 6,5-7%. Thời gian thực hiện trong 2 năm là 2022- 2023.
11/11/2021 15:24
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn về giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh tình hình mới |
11/11/2021 15:25
Các đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang); Nguyễn Hồng Sơn (Hải Dương); Âu Thị Mai (Tuyên Quang); Trần Quang Minh (Quảng Bình)... chất vấn về nội dung: Kinh nghiệm quốc tế trong triển khai các gói hỗ trợ và việc thực hiện ở Việt Nam; tiến độ triển khai tuyến đường cao tốc nối Tuyên Quang - Hà Giang; xây dựng chỉ tiêu GDP; giải pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, vốn ODA; giải pháp để ưu tiên đầu tư phát triển các vùng đang khó khăn;...
11/11/2021 15:28
"Trong 10 ngày sau khi Nghị quyết 128/NQ-CP được ban hành (11/10/2021 - 20/10/2021), số doanh nghiệp thành lập mới là 3.753 doanh nghiệp, chiếm đến 45,6% tổng số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng; số vốn đăng ký mới là 42.280 tỷ đồng, chiếm 38,9% tổng số vốn đăng ký mới trong tháng"
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
11/11/2021 15:34
Chậm giải ngân vốn đầu tư công, trách nhiệm chủ yếu thuộc địa phương
Liên quan đến những chậm trễ trong việc viải ngân vốn đầu tư công và vốn ODA, đại biểu Âu Thị Mai (đoàn Tuyên Quang) đề nghị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết nguyên nhân chậm trễ từ đâu? Giải pháp nào khắc phục để tăng tốc độ giải ngân?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, giải ngân vốn đầu tư công được nhiều đại biểu quan tâm, được nêu ra nhiều cuộc họp. Tuy nhiên, vẫn chưa được giải quyết, tỷ lệ giải ngân rất thấp. Nguyên nhân do công tác chuẩn bị hồ sơ, dự án còn nhiều bất cập, phải điều chỉnh nhiều lần. Giải phóng mặt bằng là câu chuyện muôn thuở chưa giải quyết được vì liên quan đến những vướng mắc trong Luật Đất đai, dẫn đến khiếu kiện. Công tác đấu thầu, vốn đối ứng cũng còn những hạn chế.Riêng năm 2021, còn có nguyên nhân ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thời gian giãn cách xã hội dài, thiếu lao động, chi phí vận chuyển tăng cao.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công đã phân cấp nhiều cho các địa phương, bộ chỉ thực hiện một số khâu. Do đó, việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ chủ yếu là do các địa phương. “Trong báo cáo tôi đang cầm đã làm rõ việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, nêu rõ sự chậm trễ do đâu. Các đại biểu có thể xem xét, trách nhiệm chủ yếu thuộc địa phương”, ông Dũng nói.
11/11/2021 16:23
“Toàn bộ số tiền chúng ta đang có mà còn chưa tiêu hết, thì còn tiêu mới cái gì đây?"
“Bấm nút” xin tranh luận về nội dung này, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cho rằng, vấn đề này đã tồn tại nhiều năm, vậy vai trò trò trách nhiệm và giải pháp của bộ - vốn được coi là cơ quan “gác cửa” ra sao? “Nếu cứ để tồn tại, vướng mắc như thế này thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển. Vì thế, vấn đề mà đại biểu quan tâm là Bộ Kế hoạch và Đầu tư có giải pháp khắc phục như thế nào. Tôi tranh luận với bộ trưởng là ở điểm đó”, ông Hạ nói.
Trước tranh luận trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phải giải trình, làm rõ thêm vấn đề trên. Bởi năm 2020, giải ngân vốn đầu tư công đạt mức “kỷ lục” đạt 98%. “Trong cùng một thể chế như nhau, pháp luật như nhau sao có nơi giải ngân cao, có nơi giải ngân thấp. Dẫn con số đến hết tháng 10/2021 mới giải ngân được chưa được 50%”, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ sự lo lắng khi hiện nay người dân, doanh nghiệp đều đang mong muốn có gói kích thích mới.
“Toàn bộ số tiền chúng ta đang có mà còn chưa tiêu hết, thì còn tiêu mới cái gì đây? 16 nghìn tỷ của ba chương trình mục tiêu quốc gia đến nay chưa phân bố đồng nào, 56 nghìn tỷ của địa phương cũng chưa phân bổ được đồng nào, chưa kể năm 2022 tới đây thế nào”, Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi. Nhấn mạnh, nếu không làm rõ vấn đề này, thì “Quốc hội chất vấn xong, ra nghị quyết rồi thì tình hình cũng như vậy thôi”, Chủ tịch Vương Đình Huệ yêu cầu không nói chung chung là vướng mắc được, mà phải làm rõ. Bởi cũng thể chế này, nhưng năm 2020 giải ngân đạt đến 98%. “Việc này các bộ phải làm rõ, không để tình hình này tái diễn”, ông Huệ nói.
11/11/2021 16:44
Kiểm soát việc người Trung Quốc sở hữu đất tại Việt Nam thế nào?
Đại biểu Vũ Trọng Kim (đoàn Nam Định) nhắc lại, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu có chất vấn về việc có 162.000 ha do người Trung Quốc sở hữu, trong đó có 63.000 ha đất biên giới, vùng biển. Mặt khác có việc người Việt Nam “núp bóng” mua cho người nước ngoài, ông Kim đề nghị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiểm soát, kiểm tra như thế nào? Bộ đề nghị Chính phủ vấn đề gì để sửa đổi Luật Đất đai, Luật Đầu tư để kiểm soát vấn đề này?
Trả lời nội dung trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận đây là vấn đề lớn, nhưng thực sự chưa có điều kiện nắm rõ chính xác tình hình thực tế của địa phương.
Với trách nhiệm của bộ, ông Dũng khẳng định, sẽ nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ để có chính sách nào theo quy định của pháp luật để quản lý đất đai mà các nhà đầu tư nước ngoài núp bóng dưới nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt vùng ven biển, sát biên giới. “Đây là vấn đề nhạy cảm, chúng tôi sẽ nghiên cứu và xin báo cáo Quốc hội sau”, ông Dũng nói.
Về sử dụng đầu tư công giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đã nghiên cứu vấn đề này. “Vì ta dùng tiền ngân sách để tạo quỹ đất sạch, mặt bằng, nếu không đấu giá được sẽ là dự án treo, có thể dẫn tới thất thoát, lãng phí. Vì vậy, bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu”, ông Dũng nói.
11/11/2021 16:51
11/11/2021 16:58
Bộ đổ trách nhiệm cho địa phương, địa phương đổ cho bộ
Đề cập đến việc giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) đề nghị bộ trưởng cho biết trách nhiệm trong chuyển nguồn vốn đầu tư công thời gian qua. “Khi đi giám sát tại địa phương, đại biểu được nghe trách nhiệm đó thuộc về Trung ương, song khi làm việc với bộ chủ quản thì lại được nghe nguyên nhân đó thuộc về địa phương. Đề nghị bộ trưởng làm rõ vấn đề này”
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, dự án giao cho cơ quan nào thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm. Dự án của địa phương thì địa phương phải chịu trách nhiệm, dự án của Trung ương thì Trung ương phải chịu trách nhiệm. Còn dự án Trung ương có cấu phần liên quan đến địa phương và đã trao cho địa phương thì địa phương phải chịu trách nhiệm.
Để khắc phục những chậm trễ, ông Dũng cho biết, trong đề án tách bồi thường, hỗ trợ tái định cư ra khỏi dự án đầu tư công sắp tới sẽ trình Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình riêng phần giải phóng mặt bằng giao cho địa phương và địa phương có thể dùng cả ngân sách của Trung ương để thực hiện, hoặc có thể dùng cả ngân sách địa phương để thực hiện giải phóng mặt bằng. Như vậy sẽ linh hoạt, chủ động và nhanh hơn.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cho rằng nếu tách được và giao hẳn cho địa phương thì sẽ phân biệt rõ ràng trách nhiệm Trung ương hay địa phương đối với dự án của Trung ương trên địa bàn.
11/11/2021 17:02
Không nới nợ công, bội chi sẽ lỡ nhịp phát triển
Trả lời câu hỏi của đại biểu về thực hiện gói hỗ trợ, có làm tăng nợ công, bội chi, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc này là cần thiết. “Quan điểm là chúng tôi ủng hộ nới bôi chi, nới nợ công trong khoảng có thể kiểm soát. Nếu không nới thì không có điều kiện tăng trưởng, nếu không tăng trưởng thì không đạt được các mục tiêu đề ra”, ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, nếu không nới bội chi, nợ công thì Việt Nam sẽ bỏ hết cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, lỡ nhịp cuộc chơi và có nguy cơ tụt hậu.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, nới bôi chi sẽ giúp tăng trưởng, giải quyết việc làm. Khi tăng trưởng, quy mô GDP lớn lên thì nợ công, bội chi sẽ giảm xuống. “Nếu chúng ta cứ dứt khoát không nới bội chi, nợ công thì sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn, lỡ hết các cơ hội phát triển”, ông Dũng nhấn mạnh.