Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư: 'Khu thương mại tự do mới dừng ở ý tưởng'

0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng. Ảnh Như Ý
Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng. Ảnh Như Ý
TPO - Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng, khu thương mại tự do ở Hải Phòng mới dừng ở mức ý tưởng, chưa có đề án, chưa có chủ trương.

Đề xuất không chỉ riêng cho Hải Phòng

Ngày 27/10, Quốc hội thảo luận về một số cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Thừa Thiên Huế. Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) cho biết, việc thành lập khu thương mại tự do tại thành phố Hải Phòng là mô hình mới chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, có nhiều yếu tố phức tạp, không chỉ dưới góc độ kinh tế mà còn dưới góc độ quốc phòng, an ninh, hội nhập, ổn định, chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Theo ông Sơn, dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đã được trình xin ý kiến Quốc hội từ tháng 10/2017, nhưng phải để lại và cho đến nay vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu, chưa được ban hành. Vì vậy, đại biểu đề nghị phải có sự nghiên cứu hết sức tổng thể về mô hình quản lý cơ chế chính sách đặc thù áp dụng cho khu thương mại tự do, không chỉ riêng cho thành phố Hải Phòng mà còn có thể nghiên cứu để áp dụng ở các địa phương khác, báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội xem xét, quyết định theo thẩm quyền.

Cùng mối quan tâm, đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) cũng cho rằng, khái niệm khu thương mại tự do hiện chưa được đề cập đến trong các văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, để thực hiện chủ trương này trong nghị quyết của Bộ Chính trị, trước hết cần xác định khái niệm về khu thương mại tự do, phạm vi, ranh giới…để làm cơ sở, căn cứ cho thành phố Hải Phòng và các cơ quan liên quan tổ chức nghiên cứu, đề xuất cụ thể, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

"Sau khi nghị quyết được Quốc hội thông qua, thành phố Hải Phòng sẽ tích cực nghiên cứu tổng thể, kỹ lưỡng, xây dựng đề án thành lập khu thương mại tự do, có đề xuất nhằm đảm bảo tính định hướng, tính cụ thể, đủ nội hàm chính sách, báo cáo Chính phủ để xin ý kiến Bộ Chính trị trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định", đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng).

Đại biểu đoàn Hải Phòng cũng nhấn mạnh, việc quy định hình thành khu thương mại tự do là vấn đề quan trọng không chỉ dưới góc độ kinh tế mà còn liên quan đến yếu tố quốc phòng, an ninh, hội nhập, ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, không chỉ dừng ở phạm vi của cơ chế, chính sách đặc thù riêng lẻ mà gắn với việc xây dựng các thể chế, thiết chế pháp luật có tác động lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng. Đồng thời, cơ chế chính sách áp dụng cho khu thương mại tự do sẽ có những quy định mới có thể vượt lên trên các luật hiện hành, như Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Ngân sách nhà nước, các quy định của pháp luật về thuế…

“Vì vậy, sau khi nghị quyết được Quốc hội thông qua, thành phố Hải Phòng sẽ tích cực nghiên cứu tổng thể, kỹ lưỡng, xây dựng đề án thành lập khu thương mại tự do, có đề xuất nhằm đảm bảo tính định hướng, tính cụ thể, đủ nội hàm chính sách, báo cáo Chính phủ để xin ý kiến Bộ Chính trị trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định”, Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng Lã Thanh Tân bày tỏ.

Giải trình vấn đề liên quan đến khu thương mại tự do thành phố Hải Phòng mà đại biểu đề cập, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là một vấn đề mới và mới dừng ở mức ý tưởng, chưa có đề án, chưa có chủ trương.

Trên cơ sở ý kiến của đại biểu, Chính phủ sẽ chỉ đạo các cơ quan của Chính phủ phối hợp với thành phố Hải Phòng để nghiên cứu đề án báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định về chủ trương, rồi sau đó sẽ trình Quốc hội vào thời điểm thích hợp.

Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư: 'Khu thương mại tự do mới dừng ở ý tưởng' ảnh 1

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang)

“Không mất công bằng”

Giải trình các ý kiến đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, để tạo ra cú hích cho các địa phương có tiềm năng, lợi thế phát triển nhanh cần phải có một số cơ chế, chính sách đặc thù. Chủ trương này vừa đảm bảo phát triển của các vùng kinh tế trọng điểm, vùng động lực làm đầu tàu để phát triển nhưng cũng phải quan tâm hài hòa với các địa phương khác.

Dù ban hành cơ chế đặc thù cho một số địa phương, song Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trên thực tế không phải là không quan tâm đến các địa phương khác. Đảng và Nhà nước luôn luôn chú trọng hài hòa phát triển cho các vùng, miền. Chúng ta đã có rất nhiều cơ chế, chính sách để đầu tư cho các vùng khó khăn. Rất nhiều chương trình, mục tiêu đều nằm ở các vùng này và hiện nay còn 3 chương trình, mục tiêu quốc gia nông thôn mới, giảm nghèo và phát triển đồng bào dân tộc miền núi.

“Phải khẳng định là chúng ta có quan tâm xử lý hài hòa. Đây chỉ là một số cơ chế, chính sách có tính chất đặc thù và để cho làm thí điểm các điều kiện để cho các tỉnh này có điều kiện bứt phá lên, còn hệ thống chính sách của chúng ta vẫn phải đảm bảo giữ nguyên, chứ không có sự mất công bằng trong hệ thống pháp luật”, ông Dũng nhấn mạnh.

Bộ trưởng KH&ĐT cũng khẳng định, các chính sách đặc thù phải được nghiên cứu dựa trên các cơ sở lý luận và thực tiễn, vừa tạo điều kiện để bứt phá, vừa đề cao tính tự lực, tự cường, vươn lên, cũng như tính năng động, chủ động, sáng tạo của các địa phương; đồng thời phù hợp với năng lực cân đối ngân sách và không ảnh hưởng đến bội chi, vượt trần nợ công.

“Tăng cường phân cấp, phân quyền nhưng phải đi đôi với xác định trách nhiệm cũng như các cơ chế để kiểm soát, kiểm tra, giám sát, phù hợp với năng lực, điều kiện thực tiễn của từng địa phương”, ông Dũng nêu rõ.

Giải trình một số vấn đề cụ thể, Bộ trưởng Dũng cho rằng, việc xác định chính sách dư nợ vay của các địa phương phải phù hợp với nhu cầu đầu tư phát triển của từng địa phương, cũng như khả năng hấp thụ vốn, khả năng vay và khả năng trả nợ của từng địa phương. Mức dư nợ đương nhiên sẽ khác nhau, mỗi tỉnh, thành phố có quy mô lớn, thu ngân sách lớn khác nhau thì dư nợ mức trần cũng khác nhau.

Ví dụ như TPHCM, Hà Nội là 90%, hay Nghệ An, Thừa Thiên Huế là 40%, trong khi đó Thanh Hóa là 60%. Bên cạnh đó, việc tăng mức dư nợ vay của địa phương sẽ được kiểm soát trong giới hạn và bội chi ngân sách nhà nước, trần nợ công của cả nước được Quốc hội xem xét, quyết định hàng năm.

Về chính sách phí và lệ phí trên địa bàn, theo Bộ trưởng, việc thực hiện chính sách này là thực hiện chủ trương phân cấp, trao quyền cho HĐND cấp tỉnh được chủ động, linh hoạt trong thực hiện chính sách này để bảo đảm nguồn thu phát huy hiệu quả. Mỗi địa phương có thể lựa chọn điều chỉnh phí và lệ phí khác nhau và phí môi trường, phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng công cộng, cảng biển…

“Việc ban hành các phí, lệ phí này phải có lộ trình phù hợp với thực tế”, ông Dũng nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.