Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Đề xuất giao toàn bộ phần quản lý xăng dầu về Bộ Công Thương

0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết sẽ đề xuất Chính phủ sửa đổi quy định, giao toàn bộ phần quản lý xăng dầu hiện nay, bao gồm cả việc quyết định về giá và chi phí định mức, về Bộ Công Thương.

Cuối phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại Quốc hội chiều 28-10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm rõ một số vấn đề liên quan đến y tế và giáo dục, những lĩnh vực được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, thảo luận.

Trước khi đi vào làm rõ các nội dung liên quan, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi lời cảm ơn tất cả các thầy giáo, các thầy thuốc mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng vẫn đang nỗ lực hết mình vì sự nghiệp trồng người, vì sự nghiệp bảo vệ sức khỏe của người dân.

Theo Phó Thủ tướng, hiện nay biên chế hưởng ngân sách của nhà nước rất lớn, trong đó giáo dục và y tế chiếm đa số. Về biên chế giáo dục, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GĐ-ĐT) lo đào tạo nguồn giáo viên, lo chuẩn về giáo viên và đương nhiên bộ muốn rằng cứ ở đâu có học sinh phải có giáo viên đủ các môn học và số lượng học sinh trên lớp.

"Ở các nước tiên tiến khoảng 20 học sinh/lớp, chúng ta hiện nay chuẩn đề ra phấn đấu khoảng 35 cháu/1 lớp. Ngành giáo dục lo đào tạo giáo viên, mong có đủ giáo viên, nhưng để có đủ giáo viên, chúng ta phải tăng biên chế và muốn tăng biên chế mà không phát triển giáo dục ngoài công lập được thì chúng ta phải tăng ngân sách, tăng ngân sách thì không có tiền" - Phó Thủ tướng cho hay.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lấy dẫn chứng, muốn trường học, bệnh viện ngoài công lập phát triển thì phải có nghị quyết, chính sách ưu đãi, hỗ trợ, ví dụ như miễn tiền sử dụng đất. Bởi khi được miễn tiền thuê đất, sử dụng đất, nhà đầu tư mới hạ học phí, hạ viện phí được, người dân mới có điều kiện chuyển từ công sang tư.

"Chúng ta phải đẩy mạnh hơn nữa tự chủ đại học và làm sao có cơ chế để số giáo viên ở các đô thị không phải dùng lương từ ngân sách Nhà nước, mà có thể từ khoản học phí của những đối tượng sẵn sàng chi trả" - lãnh đạo Chính phủ nói.

Đối với y tế, Phó Thủ tướng cũng cho rằng có thể triển khai tương tự. Hiện nay, chúng ta rất nỗ lực về chuyên môn cho bác sĩ, nhiều bác sĩ không hề kém so với các nước phát triển. Nhưng ở các nước một bác sĩ có đến 3, 4 điều dưỡng viên để hỗ trợ chăm sóc người bệnh, trong khi ở Việt Nam, 1 bác sĩ mới có chưa đến 1,5 điều dưỡng viên.

Một thực tế cũng được Phó Thủ tướng nêu ra là mệnh giá bảo hiểm y tế của chúng ta hiện đang thấp hơn rất nhiều so với các nước đang phát triển, trong khi thuốc và máy móc, thiết bị y tế phải như các nước phát triển.

Vấn đề tự chủ bệnh viện, tự chủ trong giáo dục cũng được Phó Thủ tướng giải trình, làm rõ một phần khi nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Theo Phó Thủ tướng, nhiều nước trên thế giới, quản trị bệnh viện và trường học xuất phát từ yêu cầu chuyên môn, được phát huy tính tự chủ, sáng tạo, từ đó họ được quyền quyết về bộ máy, nhân sự, đầu tư, tiền lương và các khoản chi khác.

Nhưng ở Việt Nam, theo Phó Thủ tướng, vì nguồn lực kinh tế hạn chế nên thiết kế theo hướng là lấy tài chính làm tiêu chí đầu tiên, nếu lo được hết cả chi đầu tư và chi thường xuyên thì mới cho tự chủ hoàn toàn.

"Tôi rất mừng vì nhiều đại biểu nêu ra vấn đề này, chúng tôi sẽ tiếp thu để cùng với các cơ quan khác rà soát lại toàn bộ hệ thống pháp luật để có sự đổi mới căn bản hơn"- Phó Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng, trong lúc khó khăn bộc lộ ra, chúng ta cũng thấy sự thuận lợi, đó là đã nhìn rõ được những bất cập mà từ lâu chưa đồng nhất được, bây giờ đã nhận diện thì sẽ giải quyết được.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Đề xuất giao toàn bộ phần quản lý xăng dầu về Bộ Công Thương ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Đối với một số vấn đề liên quan đến lĩnh vực tài chính được các đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng đã tham gia làm rõ vào cuối phiên thảo luận chiều 28-10. Về xăng dầu, ngày 21-10 vừa qua, bộ đã có văn bản lấy ý kiến Bộ Công Thương và các doanh nghiệp đầu mối về việc nâng chi phí định mức.

Tuy nhiên theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, đến nay mới chỉ nhận được văn bản trả lời của 6 doanh nghiệp đầu mối, văn bản phản hồi cũng Bộ Công Thương cũng chưa có.

"Sắp tới, chúng tôi đề nghị Chính phủ sửa đổi quy định, giao toàn diện phần xăng dầu về cho Bộ Công Thương, kể cả phần quyết định giá và chi phí định mức để chủ động trong việc đảm bảo nguồn cung"- Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay.

Bộ trưởng Tài chính cũng đánh giá 2022 là năm kinh tế - xã hội được điều hành quản lý thành công. Tăng trưởng GDP dự báo đạt 7,5 - 8%; CPI tăng 2,74% (dưới mức 4% theo kế hoạch để ra); nợ công bằng khoảng 45% GDP; cả nước đã xuất siêu 8 tỉ USD ...

Về chính sách tài khoá, ông Hồ Đức Phớc cho biết thu ngân sách Nhà nước ước đạt khoảng 1,614 triệu tỉ đồng (vượt 202.400 tỉ so với dự toán). Trong đó, thu nội địa được ghi nhận tăng trưởng 9,8%.

Theo Bộ trưởng, ngành thuế cũng thực hiện biện pháp thu ngân sách như phát hành hóa đơn điện tử, xây dựng cổng thông tin điện tử xuyên biên giới. Trong 9 tháng, đã có 3.167 tỉ đồng được thu từ 37 tập đoàn công nghệ lớn như Google, YouTube, Microsoft, Tiktok…

Với dự toán ngân sách năm 2023, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đánh giá có nhiều khó khăn do giá nguyên vật liệu, lãi suất, tỉ giá tăng, room tín dụng thắt chặt, tình hình lạm phát thế giới phức tạp trong khi đó nhu cầu trên thị trường giảm. Để đảm bảo thận trọng, Bộ trưởng cho biết dự toán thu ngân sách đặt ra là khoảng 1,62 triệu tỉ đồng.

Theo Người lao động
MỚI - NÓNG