> Vì sao không chủ động cứu nạn sớm tàu chìm?
Đại diện thân nhân thủy thủ kêu cứu Bộ GTVT. |
Ngay trong cuộc họp báo tại trụ sở Bộ GTVT đại diện Tổng Cty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) vẫn loanh quanh như những lần báo chí đến liên hệ làm việc. Khi được hỏi về mức độ bảo hiểm cho các thuyền viên, đại diện Vinalines cho biết là mức 25 nghìn USD/thủy thủ.
Tuy nhiên khi bị truy vấn, tại sao trong đường dây nóng trả lời thân nhân các thủy thủ đoàn lại nói mức bảo hiểm 40 nghìn USD/người, đại diện Vinalines lúc đó mới trả lời đại ý: Có 2 mức cộng dồn là 15 nghìn USD và 25 nghìn USD. Ngoài ra, các cán bộ CNVC sẽ quyên góp thêm. Do đó, có thể còn cao hơn.
Báo chí cũng đặt vấn đề Vinalines bưng bít thông tin nên sau 7 giờ đồng hồ mới báo cho Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm Cứu nạn Hàng hải Việt Nam (MRCC Việt Nam) để thông báo cho các kênh quốc tế. Các câu hỏi liên quan việc sao không thuê tàu biển tìm kiếm mà thuê trực thăng, hoặc phản ứng thụ động, đại diện Vinalines đều trả lời mập mờ.
Trước các câu hỏi của báo chí, Bộ trưởng Thăng cho biết nhận được thông tin rất sớm và yêu cầu có giải pháp hết sức quyết liệt, như cử ban cán sự tới thăm các gia đình người mất tích. “Không có chuyện vì thiếu kinh phí mà ngừng tìm kiếm thủy thủ mất tích”, Bộ trưởng nói. Trong cuộc họp báo, đại diện Vinalines tiết lộ mức bảo hiểm tàu Vinalines Queen là 27 triệu USD.
Trong một động thái khác, chiều 3-1, đại diện gia đình 22 thuyền viên tàu Vinalines Queen đã đến Ủy ban Tìm kiếm Cứu nạn Quốc gia và Bộ GTVT để gửi đơn kêu cứu khẩn cấp, hy vọng các cơ quan chức năng thực hiện mọi biện pháp, phương tiện có thể để tìm kiếm những thủy thủ mất tích.
Bà Nguyễn Thị Tâm, vợ của thuyền trưởng Nguyễn Văn Thiện nói: “Thời gian tìm kiếm kể từ khi tàu gặp nạn kéo dài quá lâu, mọi biện pháp cho tới nay đều không thu được kết quả. Mỗi giây phút chậm trễ là tính mạng người thân chúng tôi càng giảm hy vọng”. Nhiều người khác cho biết, thông tin thủy thủ đoàn mất tích chỉ được báo cho thân nhân sau 2 ngày tàu chìm.