Kiểm toán Nhà nước vừa có kết luận về Dự án xây dựng Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình giai đoạn I. Tuy nhiên, đến nay có hai vướng mắc mà các đối tượng bị kiểm toán của Bộ Giao thông Vận tải và Kiểm toán Nhà nước vẫn chưa thể thống nhất.
Đường Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình sau khi hoàn thành. Ảnh: Tiền Phong
Thứ nhất, Kiểm toán cho rằng chủ đầu tư (Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc - VEC) và đơn vị tư vấn (Tổng công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải - TEDI) không đề xuất được phương án tối ưu, dẫn đến 2 lần tuyến đường phải đổi hướng. Điều này làm cho thời gian lập dự án kéo dài từ 1999 đến 2005 mới được phê duyệt kéo theo việc phải điều chỉnh tổng mức đầu tư đến 2 lần với giá thành đội lên hơn 5.000 tỷ đồng (từ 3.733,3 tỷ đồng ban đầu tăng lên 7.723 tỷ đồng năm 2007 và 8.974 tỷ đồng 3 năm sau đó)
Tại phiên họp Chính phủ ngày 1/4, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho rằng cơ quan kiểm toán lấy thời điểm lập dự án (năm 1999) rồi so với thời điểm thi công (2007) và so với thời điểm hoàn thành kiểm toán để nhận định công trình đội giá hơn 5.000 tỷ là không hợp lý.
"Nói công trình thất thoát 5.000 tỷ khiến người dân rất xót ruột, người dân sẽ so rằng trong khi làm một cầu treo dân sinh chỉ hơn 1 tỷ mà công trình này lại thất thoát như vậy thì quá lớn", ông Thăng nhấn mạnh.
Vì vậy, người đứng đầu ngành giao thông kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Kiểm toán Nhà nước công khai rõ thông tin, tránh người dân hiểu nhầm theo hướng công trình đội giá là do xà xẻo.
Trần tình về lý do gây tăng tổng mức, đại diện VEC cho rằng nguyên nhân lớn nhất là do giải phóng mặt bằng chậm và tăng khối lượng công trình cầu vượt, cống chui theo yêu cầu của địa phương.
“Việc giải phóng mặt bằng chậm không chỉ làm tăng giá đền bù mà quan trọng nhất là kéo dài thời gian thi công, nhất là phải trải qua thời kỳ biến động giá vào năm 2007-2008”, ông Đỗ Chí Chung, người phát ngôn của VEC nói.
Ngoài ra, theo VEC, do thay đổi hình thức đầu tư từ ngân sách sang dùng vốn trái phiếu công trình nên dự án đã phải chịu thêm phần lãi suất vay ngân hàng, có lúc lên đến 16% một năm.
Cũng liên quan tới kết quả kiểm toán, các bên vẫn chưa đồng nhất quan điểm về việc áp dụng định mức giếng cát thay cho cọc cát.
Theo đó, trong hơn 300 tỷ đồng tổng giá trị dự toán xây lắp bị đội lên thì riêng hạng mục giếng cát đã chiếm hơn 275 tỷ. Cụ thể, trong khi thi công giếng cát chưa có trong hệ thống được Bộ Xây dựng công bố, chủ đầu tư lại áp dụng định mức thi công cọc cát cho hạng mục này, thay vì xây dựng định mức mới. Việc này được kiểm toán kết luận là không phù hợp với với thực tế thi công, ảnh hưởng rất lớn đến giá dự toán và giá gói thầu.
Vì vậy, cùng với kiến nghị giảm trừ số tiền nói trên, Kiểm toán Nhà nước cũng cho rằng VEC đã quản lý vốn không chặt chẽ, trong khi phía TEDI đã vận dụng không đúng quy định về định mức khi lập dự toán. Bộ Xây dựng cũng được coi là có trách nhiệm trong việc chậm xây dựng và công bố định mức giếng cát.
Trao đổi với VnExpress, Tổng giám đốc TEDI - Phạm Hữu Sơn cho rằng trong giai đoạn triển khai dự án (2006-2011), bộ định mức do Bộ Xây dựng ban hành không có quy định về thi công giếng cát, mà chỉ có định mức đối với cọc cát làm bằng phương pháp ép rung. “Có điều, hạng mục này trong định mức chỉ là chưa chính xác về cách gọi tên, còn thực chất là thi công giếng cát”, ông Sơn giải thích.
Còn đại diện của VEC cho hay, nếu chiếu theo chỉ dẫn kỹ thuật thi công và nghiệm thu của định mức và của dự án, tất cả các khâu, từ chuẩn bị mặt bằng, đóng cọc mồi, bơm vữa nước, rung ống vách, đến mức hao phí vật liệu... đều theo định mức phù hợp với thực tế bố trí thiết bị, hao phí vật liệu cho thi công giếng cát.
“Việc áp định mức cọc cát cho giếng cát cũng mới chỉ là giá tạm tính. Sau khi có kết luận cho là không phù hợp của kiểm toán, chúng tôi đã làm việc với Bộ Xây dựng và đang chờ câu trả lời chính thức của Bộ”, ông Chung nói.
Chuyên gia cầu đường Nguyễn Ngọc Long, nguyên Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Nhà nước các dự án trọng điểm ngành giao thông lưu ý, cần có sự nhìn nhận đúng về việc kiểm soát tổng mức đầu tư các dự án. Theo ông, tổng mức đầu tư chỉ là mức chi phí dự tính xây dựng công trình được ghi trong quyết định đầu tư để chủ. “Cho nên, khi các chi phí xây dựng phát sinh tăng không có nghĩa là công trình bị thất thoát vốn”, ông Long nhấn mạnh.
Trao đổi qua điện thoại với VnExpress ngay sau khi VEC và TEDI lên tiếng về kết quả kiểm toán, ông Lê Minh Khái, Phó tổng Kiểm toán kiêm người phát ngôn của cơ quan này không đưa ra thêm thông tin về vụ việc và cho biết đã bàn giao công việc tại Kiểm toán Nhà nước để chuẩn bị nhận công tác tại địa phương (Phó bí thư Bạc Liêu). Trong khi đó, người phát ngôn mới là ông Cao Tấn Khổng cũng từ chối trả lời với lý do "chưa được bàn giao phát ngôn".
Trao đổi với VnExpress.net, ông Phạm Văn Khánh - Vụ trưởng Vụ kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng) cho hay, cơ quan này chưa nhận được thông tin chính thức từ doanh nghiệp cũng như kiểm toán liên quan đến vấn đề nêu trên. Tuy vậy, ông khẳng định, theo quy định về quản lý chi phí trong đầu tư, Bộ Xây dựng đã ban hành hướng dẫn phương pháp lập và công bố các định mức để chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn cũng như các nhà quản lý tham khảo áp dụng cho từng dự án cụ thể.
“Nếu định mức đó phù hợp với yêu cầu cụ thể thì áp dụng. Trường hợp không phù hợp, chủ đầu tư có thể thuê tư vấn tính toán, đưa ra định mức riêng”, ông Khánh cho hay.
Xung quanh vấn đề cọc cát hay giếng cát, ông Khánh cho biết hiện hai khái niệm này có nhiều cách hiểu khác nhau. Xét về bản chất, cọc cát và giếng cát đều có tác dụng là tăng khả năng cố kết của đất. Định mức hiện nay áp dụng cho nhiều dự án chủ yếu là giếng cát, tức là chỉ là cát đổ vào ống sau đó đổ nước và không chèn, ép.
Theo vụ kinh tế xây dựng, ngoại trừ Dự án Đường 5 mới áp dụng cọc cát, (thi công xong nhà thầu còn rung và nén xuống để tăng khả năng chịu lực), hầu hết các dự án dùng định mức giếng cát. “Khi chính thức nhận được thông tin từ cơ quan kiểm toán, chúng tôi sẽ trao đổi, xem xét hồ sơ thiết kế và công nghệ từ đó Bộ Xây dựng mới có ý kiến cụ thể”, ông Khánh nói.
Theo Chí Hiếu - Hoàng Lan