Sáng 6/9, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Theo thông báo của Chủ tịch Quốc hội, đầu phiên chất vấn đã có 102 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn. Mỗi đại biểu đặt câu hỏi chất vấn trong thời gian 1 phút.
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đặt câu hỏi trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản. Ông Tạo nêu, chính sách nhà ở thu nhập thấp luôn là vấn đề trăn trở, mong muốn của người dân, nhưng thị trường nhà ở này lại đang vắng bóng trên thị trường. Trong khi đối tượng thu nhập thấp không thể tiếp cận được với loại hình nhà ở thương mại: "Vậy Chính phủ có hành động gì trong giai đoạn sắp tới để giải quyết thực trạng này?"
Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho hay: Đã có nhiều chính sách miễn giảm thuế sử dụng đất cho dự án phát triển nhà ở xã hội. Còn người mua có chính sách hỗ trợ lãi suất. Hiện chúng ta đã xây dựng được 5,2 triệu m2 nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, kết quả đạt được mới giải quyết được 41% nhu cầu nhà ở. Ông Hà thừa nhận, dù đã cố gắng nhưng chưa đạt yêu cầu. Nguyên nhân do còn nhiều bất cập trong thu hút đầu tư, thiếu vốn hỗ trợ cho người mua: "Thực tế cần 9 nghìn tỷ đồng, nhưng mới chỉ huy động được 4 nghìn tỷ".
Giải pháp, theo ông Hà phải bổ sung quy hoạch, tạo điều kiện cấp phép dự án nhà ở xã hội, bố trí đủ đất cho phát triển nhà ở xã hội. Tới đây, sẽ sửa đổi Nghị định 100, tạo cơ hội thuận lợi hơn cho người dân mua nhà ở xã hội.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) đặt hai câu hỏi cho hai Bộ trưởng. Với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), đại biểu Hiếu đặt câu hỏi về mạng 5G. "Liệu việc triển khai có chậm trễ không và giải pháp nào để khắc phục những bất cập, tốn kém trong thời gian tới?", ông Lân Hiếu hỏi.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, Việt Nam làm 5G không chậm.
Nhìn lại khi triển khai mạng 2G, chúng ta đi cùng nhịp thế giới, nhưng 3G và 4G lại chậm chân hơn. Nếu triển khai sớm, liệu có tốn kém?
Trả lời câu hỏi này, ông Hùng lý giải, triển khai 5G sẽ dùng chung cơ sở hạ tầng, chung thiết bị. Làm 5G đồng thời tắt 2G, giúp giảm chi phí cho các nhà mạng. “5G chắc chắn chất lượng tốt, chi phí rẻ hơn cho nhà mạng”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Trong lĩnh vực giáo dục, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nêu câu hỏi: Bộ GD&ĐT tham mưu khái toán kinh phí cho chương trình đổi mới giáo dục là 462 tỷ đồng. Vậy hiện trong thực tế, chúng ta đã chi trả bao nhiêu tiền từ ngân sách quốc gia và vay Ngân hàng thế giới (WB) để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, biên soạn bộ SGK và tài liệu, tổ chức tập huấn?
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Sau khi Chính phủ phê duyệt dự án đổi mới chương trình sách giáo khoa, Bộ Giáo dúc đã bỏ phần biên soạn sách giáo khoa, không sử dụng khoản tiền cho mục này và trả lại 16 triệu USD cho ngân sách nhà nước. Cũng theo Bộ trưởng Nhạ, tháng 12 năm nay, phấn đấu tiêu được 12 triệu USD, tương đương 200 tỷ đồng từ xã hội hóa.
"Vừa qua, ngành đã rà soát chi phí không thiết thực, hiệu quả và xin trả lại 29,7 triệu USD, tiết kiệm chi ngân sách cho quốc gia", Bộ trưởng Nhạ nói.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) về chất lượng rừng. Ông Hiển cho rằng, rừng ở nhiều nơi chất lượng thấp so với một số nước trong khu vực, đặc biệt là Lào, Campuchia. Vì sao lại có tình trạng này?
Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thừa nhận sự so sánh của đại biểu chính xác.
"Vì vậy, tới đây sẽ phấn đấu nâng tỷ lệ cả hai loại rừng lên. Với rừng tự nhiên, phải tuân thủ đúng Luật Lâm nghiệp, làm sao để tăng cường người quản lý bảo vệ rừng; trên khu vực trọng yếu, phải có chương trình riêng để phục hồi nhanh.
Với rừng trồng, 4,3 triệu ha hiện nay, chủ yếu là cây keo, thiên tai chống chịu kém hơn, nên phải thay dần bằng cây gỗ lớn", Bộ trưởng Cường nói.