Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn: ĐBSCL không còn là vùng trũng giáo dục

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ngày 27/2, tại Cần Thơ, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, qua các số liệu, vùng ĐBSCL đã thoát ra khỏi vùng trũng và đề nghị từ hôm nay không gọi khu vực ĐBSCL là “vùng trũng” giáo dục nữa.

Thiếu trường lớp, giáo viên

Ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, 5 năm qua địa phương đã đầu tư trên 700 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất ngành giáo dục. Tuy nhiên qua quá trình thực hiện, ngân sách tỉnh khó đảm đương được. Học sinh đi xa đến lớp dẫn đến nguy cơ bỏ học tăng.

Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn: ĐBSCL không còn là vùng trũng giáo dục ảnh 1
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu. Ảnh: Hòa Bình

Theo Bộ GD&ĐT, giáo dục và đào tạo vùng ĐBSCL còn nhiều khó khăn. Điển hình là tỷ lệ huy động trẻ đến trường còn thấp, nhất là trẻ mầm non. Tỷ lệ huy động học sinh các cấp học phổ thông đi học đúng độ tuổi vẫn thấp hơn tỷ lệ chung của cả nước, đặc biệt ở cấp THCS và cấp THPT có khoảng cách khá xa so với tỷ lệ chung của cả nước (từ 7% - 13%). Bên cạnh đó, ĐBSCL là khu vực có tỷ lệ lao động đã qua đào tạo (14,9%) và tỷ trọng lực lượng lao động có trình độ đại học trở lên (6,8%) thấp nhất cả nước.

Theo ông Luân, khó khăn hiện nay là thiếu trường lớp, nhất là địa bàn nông thôn, quy mô nhỏ; thiếu giáo viên. “Cà Mau còn hơn 1.500 vị trí việc làm trong ngành giáo dục chưa tìm được. Năm rồi tuyển nhưng chưa đủ, nhất là các môn đặc thù”, ông Luân nói.

Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn: ĐBSCL không còn là vùng trũng giáo dục ảnh 2

Học sinh vùng sâu tại Đồng Tháp Ảnh: Hòa Bình

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đề nghị, cần có chính sách đãi ngộ đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp đảm bảo mức sống trung bình khá bằng lương và có chính sách khuyến khích, thu hút đủ mạnh, hấp dẫn để sinh viên giỏi vào học ngành sư phạm.

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long kiến nghị, Bộ GD&ĐT rà soát đầu tư trường lớp từ mầm non đến phổ thông. Đồng thời, cần có cơ chế, chính sách đặc thù dành riêng cho ĐBSCL. Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Bạch Vân, Giám đốc Sở GD&ĐT Trà Vinh kiến nghị “cần quy định số lượng học sinh tối thiểu và tối đa trên một lớp, tỷ lệ giáo viên trên một lớp”, không nên quy định tỷ lệ giáo viên trên số học sinh.

ĐBSCL không còn “trũng” giáo dục

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, giải pháp căn bản trong thời gian tới là hoàn thiện cơ chế, đổi mới công tác quản lý giáo dục; thực hiện công bằng trong tiếp cận giáo dục; đồng thời phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; bảo đảm nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất cho phát triển giáo dục.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao nỗ lực của chính quyền địa phương, đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo vùng ĐBSCL.

Theo Bộ trưởng tuy ĐBSCL còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, thách thức nhưng chất lượng giáo dục phổ thông rất khả quan. Kỳ thi tốt nghiệp THPT, chất lượng đứng nhóm 2 trong 6 vùng. Các chỉ số về cơ sở vật chất, trang thiết bị, huy động trẻ ra lớp, tỷ lệ học sinh bỏ học, tỷ lệ mù chữ, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày còn nhiều khó khăn nhưng chỉ số chất lượng giáo dục phổ thông đứng thứ 2. Điều này cho thấy đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý đã có sự nỗ lực phi thường. Bộ trưởng nhấn mạnh, nhìn lại quá trình 10 năm qua, GD&ĐT khu vực ĐBSCL có bước tiến, đạt được kết quả quan trọng, bứt phá. Minh chứng qua các số liệu, GD&ĐT vùng đã thoát ra khỏi vùng trũng; đồng thời Bộ trưởng đề nghị từ hôm nay không gọi khu vực ĐBSCL là “vùng trũng” nữa.

MỚI - NÓNG