Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Lương kỹ sư ra trường 3,5 triệu đồng, sống làm sao?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đến thời điểm này, không cải cách tiền lương không được, đây là thời điểm chín muồi, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nói khi tham gia thảo luận ở tổ của Quốc hội về các vấn đề kinh tế - xã hội, sáng 24/10.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) Đào Ngọc Dung, từ tháng 5/2018, Trung ương thông qua Nghị quyết số 27, khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp là một quyết định rất đúng.

Tuy nhiên, 6 năm qua, việc thực hiện nghị quyết chưa được nhiều, mỗi năm điều chỉnh lương 7% nhưng thực ra là bù vào trượt giá, chưa phải cải cách.

“Đến thời điểm này, không cải cách tiền lương không được. Đây là thời điểm chín muồi. Lương là giá cả của sức lao động, đầu tư cải cách tiền lương là đầu tư của sự phát triển. Không thể khác, điều kiện đã đủ và đã 3 lần lỡ hẹn với cán bộ, công chức, viên chức”, ông Dung nói.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Lương kỹ sư ra trường 3,5 triệu đồng, sống làm sao? ảnh 1

Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung. Ảnh: Nhật Minh

Dẫn ví dụ thực tế, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH cho biết, lương kỹ sư ra trường hiện nay chỉ 3,5 triệu đồng, thấp hơn lương tối thiểu vùng. “Thấp vậy các cháu sống làm sao? Chúng ta đặt vấn đề lương đảm bảo cuộc sống của họ và gia đình họ, có được không?", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói và mong Quốc hội ủng hộ thực hiện lộ trình cải cách tiền lương.

Đi cùng với cải cách tiền lương khu vực công, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH đề nghị cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp Nhà nước, cũng như điều chỉnh phù hợp lương với đối tượng hưu trí và các đối tượng khác.

Cụ thể, ở khu vực công, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, quan trọng nhất là xoá bỏ mức lương cơ sở.

Với khu vực doanh nghiệp Nhà nước, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, phải cải cách theo hướng, người quản lý ăn lương cùng lao động, khi lợi nhuận cao thì cả hai hưởng cao. "Như thế mới tránh được tình trạng doanh nghiệp thua lỗ, công nhân không có thu nhập nhưng người quản lý lương rất cao, vì họ ăn bảng lương hoàn toàn khác với người lao động", ông Dung nói, đồng thời đề nghị Nhà nước không can thiệp vào thang bảng lương, doanh nghiệp hoàn toàn ban hành.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH đề nghị quan tâm đến vấn đề tiền lương của người nghỉ hưu, bảo trợ. Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, từ 1/7/2024 bỏ lương cơ sở, nếu không điều chỉnh thì vô hình trung đối tượng này bị “tụt lại phía sau”, xa hơn mức sống đời thường.

MỚI - NÓNG