Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Đang thí điểm trả lương theo cách mới tại ba tập đoàn

0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung
Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung
TPO - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, hiện đang thí điểm trả lương ở doanh nghiệp đối với 3 tập đoàn, làm cơ sở rút kinh nghiệm trên quy mô toàn quốc.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, đại biểu Nguyễn Duy Minh (đoàn Đà Nẵng) đặt vấn đề, người lao động nhiều nơi chỉ có mức thu nhập bằng hoặc hơn chút ít so với lương tối thiểu vùng, đời sống rất khó khăn, bữa ăn ca cũng ít ỏi. Vậy giải pháp gì để người sử dụng lao động quan tâm hơn tới an sinh với người lao động?

Trả lời chất vấn đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, ban đầu dự kiến cả nước thực hiện cải cách chính sách tiền lương ở khu vực doanh nghiệp từ năm 2022 nhưng vì tình hình khó khăn chung, việc này được lùi lại.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hiện đang thí điểm trả lương ở doanh nghiệp đối với ba tập đoàn, làm cơ sở rút kinh nghiệm trên quy mô toàn quốc.

Trên cơ sở đó, lương doanh nghiệp sẽ có thay đổi căn bản. Cụ thể, lương được xác định là giá cả sức lao động, chính vì vậy, phải trả lương theo nguyên tắc thị trường, có bàn tay can thiệp nhất định trong chừng mực cho phép của Nhà nước.

Theo Bộ trưởng, doanh nghiệp và chủ sử dụng lao động sẽ là người quyết định thang bảng lương, Nhà nước không quy định thang bảng lương nữa.

Người lao động và chủ sử dụng lao động sẽ thoả thuận lương trên cơ sở sự phát triển của doanh nghiệp, thu nhập phúc lợi và cơ sở mức lương tối thiểu vùng – mức sản tối thiểu Nhà nước đặt ra, không thể thấp hơn, nếu thấp hơn là doanh nghiệp vi phạm, còn cao hơn mức nào do hai bên thoả thuân. Trong trường hợp này, người lao động luôn ở thế yếu, song bộ trưởng cũng khẳng định, người lao động có quyền chấp nhận hay không khi thoả thuận mức lương.

Bên cạnh đó, việc trả lương sẽ được dựa trên chỉ số giá cả, khả năng chi trả và bài toán hài hoà lợi ích. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, phải làm tốt vai trò ba bên: cơ quan quản lý Nhà nước, người lao động, đại diện giới chủ (VCCI) và đại diện người lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam).

MỚI - NÓNG