Kiểm tra thực tế tại cơ sở sáng 7/6, Đoàn kiểm tra Bộ Công Thương phát hiện nhiều loại hóa chất sử dụng trong quá trình pha chế phụ gia xi măng, trong đó, có hóa chất cảnh báo nguy hiểm cho môi trường. Hóa chất này sẽ được Cục Hóa chất mang về kiểm tra, xét nghiệm.
Trả lời về những vấn đề báo Tiền Phong nêu, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND xã Kim Lan cho rằng: Khi chuyển đổi sản xuất từ nhà máy xe đạp sang nhà máy pha chế hóa chất, chủ doanh nghiệp đã báo cáo với chính quyền. Tuy nhiên, khi phóng viên dẫn chứng việc lãnh đạo xã không biết gì về việc này, ông Hà lại lý giải: Do chủ doanh nghiệp báo cáo bằng… miệng nên mới xảy ra nhầm lẫn! Trong khi đó, Cty không chịu hợp tác khi quanh co cho rằng có đầy đủ phương tiện phòng cháy chữa cháy và đã dừng hoạt động khi xã yêu cầu. Đến khi, phóng viên đưa ra hình ảnh, bằng chứng, chủ doanh nghiệp mới chấp nhận.
Kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Xuân Sinh, Phó Cục trưởng Cục Hoá chất, Trưởng đoàn kiểm tra yêu cầu: Cty cần cung cấp đầy đủ phiếu hóa chất, để Cục đánh giá lại tất cả các hóa chất, loại nào thuộc hóa chất nguy hiểm thì đưa vào quản lý. “Khi kiểm tra, tôi thấy có hóa chất vỏ nhựa màu xanh có nhiều ký hiệu nguy hiểm: ăn mòn, kích ứng… Nếu là hóa chất nguy hiểm chỉ cần 1 can nhỏ có thể gây ảnh hưởng lớn đến môi trường”, ông Sinh khẳng định.
Đối với sai phạm sản xuất mà không có cam kết bảo vệ môi trường, Trưởng đoàn kiểm tra yêu cầu huyện Gia Lâm có trách nhiệm xử phạt hành chính đối với doanh nghiệp. Đồng thời, cần xem xét công suất thiết kế sản xuất của nhà máy, nếu quy mô công suất trên 1.000 tấn sản phẩm/năm thì phải lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) lên Sở TN&MT Hà Nội thẩm định. Cũng theo ông Sinh, đánh giá sơ bộ, công suất thiết kế tối đa của cơ sở pha trộn này là 3.000 m3/năm.