Bộ trưởng Bộ Y tế: Không để bệnh nhân chờ khám cả buổi

TP - Tại hội nghị “Giảm thời gian chờ khám, chữa bệnh và cải thiện nhà vệ sinh bệnh viện” do Bộ Y tế tổ chức ngày 18/5, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế thừa nhận: Hiện nay tại các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh thời gian chờ khám của người dân đã giảm đi rất nhiều, tuy nhiên tại các bệnh viện tuyến trung ương thời gian vẫn rất lâu.

Có một thực tế tại phần lớn các bệnh viện là bệnh nhân đi khám nhịn ăn sáng, xếp hàng lấy số từ 5-6h thì phải 8-9h mới được khám. Bộ trưởng ví dụ, trường hợp đơn giản nhất chỉ chờ kết quả xét nghiệm sinh hóa, nhưng nhiều người phải làm thêm chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng… thì có thể kéo đến chiều. Số lượng bệnh nhân quá đông, dù bệnh viện mở ra nhiều bàn khám vẫn không đủ.

Bà Tiến cho rằng, bệnh nhân đi khám sáng đều nhịn ăn, nay đợi kết quả xét nghiệm, chờ siêu âm và các xét nghiệm khác đến 12 giờ trưa vừa đói vừa mệt mỏi. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) 80% người đến khám vào sáng dẫn đến tình trạng chờ đợi mất thời gian.

Bộ trưởng khẳng định: “Không thể để bệnh nhân chờ khám cả buổi. Chúng ta cứ kêu ca khó khăn khi thực hiện cải tiến thời gian khám chữa bệnh nhưng phải quyết tâm phải đặt quyền lợi của người bệnh lên trước để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng giờ khám, bàn khám, khám sớm và có thể tính đến giải pháp khám sau 5h chiều và hẹn khám theo giờ”.

Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Trong khảo sát hài lòng được Bộ Y tế công bố mới đây cho thấy yếu tố hài lòng nhất của người bệnh là khả năng tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh; trong khi yếu tố kém hài lòng nhất là cơ sở vật chất và phương tiện phục vụ người bệnh. Người bệnh hài lòng nhất với phục vụ cấp phát và hướng dẫn sử dụng thuốc trong khi kém hài lòng nhất là nhà vệ sinh bệnh viện. Lĩnh vực nhà vệ sinh bệnh viện có chỉ số hài lòng người bệnh thấp nhất (3,58).

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho hay, hiện quy trình khám bệnh cơ bản gồm 4- 8 bước tùy theo tính chất của bệnh và yêu cầu của bác sĩ đối với các xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán, giảm hơn so với trước đây 10 – 15 bước.

Đồng thời cắt giảm một số thủ tục hành chính như bệnh viện phải photo giấy tờ cần thiết thay vì yêu cầu người bệnh làm; người bệnh không phải chờ tự lấy kết quả xét nghiệm (trừ kết quả chẩn đoán hình ảnh); giảm 2/5 chữ ký trong phiếu thanh toán viện phí khi ra viện.

Báo cáo của lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh cho thấy kết quả thời gian khám bệnh chung của cả 3 tuyến, khám lâm sàng trung bình 66,5 phút (giảm 53,5 phút so với quy định). Tuy nhiên thời gian chờ vẫn rất dài 45,4 phút. Khám lâm sàng có làm theo hai kỹ thuật phối hợp cả xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh là 200 phút, giảm so với quy định 40 phút, tuy nhiên thời gian chờ là 92,6 phút. Trung bình giảm thời gian khám bệnh trên một lượt khám so với trước khi có cải tiến là 48,5 phút.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đưa ra giải pháp cần nâng cao chất lượng y tế cơ sở để đưa người bệnh mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, tiểu đường... về khám định kỳ, nhận thuốc tại trạm y tế.

MỚI - NÓNG
Khi nào Hà Nội chuyển lạnh trở lại?
Khi nào Hà Nội chuyển lạnh trở lại?
TPO - Diễn biến khí tượng thực tế tại miền Bắc, Thủ đô Hà Nội trong ít ngày qua duy trì ở ngưỡng nhiệt trung bình cao trên 30 độ C, cảm nhận thực tế nóng oi vào nhiều thời điểm trong ngày. Bộ phận không khí lạnh đang di chuyển về phía Nam dự báo sẽ ảnh hưởng tới khu vực trong dịp đầu tuần (18/11), biến động hạ nhiệt có thể sẽ kéo dài ít ngày.
Địa điểm xây ga đường sắt mới ở Đà Nẵng
Địa điểm xây ga đường sắt mới ở Đà Nẵng
TPO - Chính quyền thành phố Đà Nẵng có kế hoạch di dời ga Đà Nẵng ra khỏi trung tâm để giảm thiểu ùn tắc giao thông, cải tạo cảnh quan. Theo kế hoạch di dời, phần ga hành khách của ga Đà Nẵng sẽ được dời về khu vực hồ Trung Nghĩa (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu).