Hỏi: Tôi bị đau dạ dày mạn tính, thỉnh thoảng có những đợt viêm loét nặng. Tôi nghe nói ngoài dùng thuốc chế độ ăn, bổ sung vitamin rất quan trọng trong chữa bệnh. Xin hỏi, đó là những loại vitamin nào? - Lê Thị Hoa (Hà Nội).
BSCK II Vũ Đức Chung, Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện 354: Đau dạ dày gồm bệnh lý nội khoa, ngoại khoa, stress và đặc biệt là thói quen ăn uống, sinh hoạt... Bệnh thường biểu hiện qua các triệu chứngđầy bụng, ăn khó tiêu, đau vùng thượng vị, có thể đau lan ra hông sườn, ợ hơi, ợ chua, buồn nôn.
Khi bị bệnh, ngoài điều trị bằng thuốc, cần phải có chế độ dinh dưỡng phù hợp, nếu chế độ dinh dưỡng không thích hợp việc điều trị sẽ khó có hiệu quả. Trọng tâm của chế độ dinh dưỡng là làm giảm lượng dịch vị. Do đó, không nên để quá đói hoặc ăn quá no.
Khi ăn, nên nhai kỹ, vì trong khi nhai, có thể tăng thêm sự bài tiết của nước bọt, có tác dụng giảm axit và bão hòa axit trong dạ dày. Ăn phải đảm bảo các chất cần thiết như protein, lipit, gluxit, vitamin... nghĩa là thực đơn hằng ngày cần có đủ thịt, cá, trứng, sữa, rau xanh và hoa quả.
Đối với người bị đau dạ dày mạn tính cần bổ sung một số vitamin trong khẩn phần ăn như vitamin A, vitamin nhóm B, đặc biệt là vitamin A có tính oxy hóa cao làm giảm tiết dịch vị. Vitamin A có nhiều trong gan, khoai lang, sữa và các sản phẩm từ sữa, rau xanh nhiều lá, bí ngô, thảo mộc khô, mơ khô, cà chua, trứng, xoài, cà rốt...