Bỏ sổ hộ khẩu giấy, Bộ Công an giải đáp nhiều thắc mắc

0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ công an hướng dẫn người dân làm thủ tục thay đổi thông tin về cư trú vào ngày 1/7 tại Hà Nội. Ảnh: Thanh Hà
Cán bộ công an hướng dẫn người dân làm thủ tục thay đổi thông tin về cư trú vào ngày 1/7 tại Hà Nội. Ảnh: Thanh Hà
TP - Kể từ 1/7, Bộ Công an chính thức dừng việc cấp sổ hộ khẩu giấy theo quy định của Luật Cư trú mới. Phía Bộ Công an đã giải đáp hàng loạt thắc mắc về phần nội dung thủ tục hành chính trong giao dịch dân sự, hành chính của người dân có liên quan hộ khẩu kể từ thời điểm này.

Xin học, giao dịch không cần hộ khẩu giấy

Đối với những thắc mắc của người dân về việc xin học cho con khi bỏ sổ hộ khẩu, đại tá Đỗ Khắc Hưởng - Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp, Bộ Công an cho biết: Trường hợp đủ điều kiện nhập khẩu về Hà Nội, cơ quan chức năng sẽ không cấp sổ hộ khẩu nữa mà cập nhật thông tin trên hệ thống và cấp giấy thông báo kết quả.

Theo đó, người dân có thể yêu cầu nhà trường khai thác thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trường hợp, nhà trường chưa đảm bảo việc khai thác Cơ sở dữ liệu thì người dân sẽ trình giấy thông báo kết quả nêu trên để xin học cho con.

“Có nhiều công dân phản ánh, mấy tháng mà chưa nhận được Căn cước công dân gắn chíp, nguyên nhân khách quan do chíp chúng ta phải nhập từ nước ngoài. Do dịch COVID-19 đã ảnh hưởng quy trình sản xuất khiến sản lượng chíp chúng ta nhập về không đủ. Tuy nhiên, việc này không ảnh hưởng nhiều đến công việc vì người dân vẫn có thể sử dụng Chứng minh nhân dân cũ để giao dịch”.

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên thông tin

Trước thắc mắc về việc đối với những trường hợp công dân bị thu sổ hộ khẩu giấy trong khi văn phòng công chứng, văn phòng đăng ký nhà, đất chưa liên kết, liên thông với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ thực hiện ra sao?

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an giải đáp: Từ ngày 1/7, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã sẵn sàng kết nối. Tuy nhiên, một số cơ quan, đơn vị chưa kết nối được nên họ vẫn đòi hỏi sổ hộ khẩu để thực hiện các giao dịch. Trong tình huống này, cũng như việc đi xin học cho con, người dân chỉ cần trình giấy thông báo kết quả cập nhật thông tin do cơ quan công an cấp để làm thủ tục giao dịch.

“Có thể nói, chúng ta đã khai tử một di sản của một thời kỳ bao cấp, mở ra một kỷ nguyên mới trong phương thức quản lý xã hội. Tuy nhiên, để việc giao dịch của người dân thuận lợi thì không chỉ một nền tảng này là thực hiện được, chúng ta cần sự đồng bộ của các cơ sở của các bộ, ban, ngành. Vì vậy cần khoảng thời gian chuyển tiếp (hộ khẩu giấy đã cấp trước đây có giá trị đến hết ngày 31/12/2022- PV). Sau này bỏ hộ khẩu thì tất cả các dịch vụ cần đến hộ khẩu sẽ thay đổi hoàn toàn”, Thiếu tướng Nguyên nói.

Chuyển khẩu vào các thành phố lớn, cần thủ tục gì?

Vẫn theo Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, theo Luật Cư trú 2020, điều kiện để đăng ký nhập khẩu vào thành phố trực thuộc trung ương cơ bản giống nhau. Trước đây, muốn nhập khẩu phải có tạm trú liên tục trong một thời gian, nhưng nay người dân chỉ cần có chỗ ở hợp pháp, với điều kiện tối thiểu về diện tích nơi ở, tùy theo quy định của thành phố đó. Chỗ ở hợp pháp còn được hiểu là chỗ thuê, mượn thuê, ở nhờ. Trường hợp này thì người có nhu cầu nhập khẩu phải được chủ hộ đồng ý cho nhập khẩu. Với những người có quan hệ nuôi dưỡng, hôn nhân, người khuyết tật nhập khẩu thì không cần đủ diện tích chỗ ở mà chỉ cần chủ hộ đồng ý.

Còn về thủ tục chuyển nơi đăng ký thường trú, đại tá Đỗ Khắc Hưởng nói: trước đây, chúng ta quản lý thủ công, người dân chuyển hộ khẩu từ nơi này sang nơi khác sẽ phải về nơi thường trú làm giấy tờ và đến nơi mới làm thủ tục nhập khẩu. Nhưng từ 1/7, việc quản lý cư trú của người dân được thực hiện trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Vì vậy, người dân khi chuyển khẩu chỉ cần đến nơi đăng ký thường trú mới để làm thủ tục.

“Theo Luật Cư trú mới, việc tách, nhập khẩu do công an xã, phường, thị trấn thực hiện. Đối với việc cấp căn cước công dân, người dân phải đến công an cấp quận, huyện để làm thủ tục” - đại tá Đỗ Khắc Hưởng thông tin.

“Quy định của pháp luật là hiện nay trong một số trường hợp công an đã thu hồi sổ hộ khẩu thì có giấy xác nhận cư trú. Và công dân có quyền xin xác nhận cư trú ở bất kỳ nơi nào theo quy định mà không nhất thiết phải về đúng nơi ở của mình. Ngoài ra, trường hợp công dân đã thu hồi sổ hộ khẩu bị “làm khó” khi giao dịch dân sự thì có thể gửi đơn tới cơ quan chức năng giải quyết và tùy vào từng lĩnh vực hoặc có thể khiếu nạị chính cơ quan đó theo Luật Khiếu nại, tố cáo”, một cán bộ công an TP Hà Nội nói với phóng viên Tiền Phong.

Thanh Hà

MỚI - NÓNG