Bộ Quy tắc ứng xử chung cư: Giúp đánh thức văn hóa chung cư

Hình ảnh không hiếm tại hành lang các chung cư
Hình ảnh không hiếm tại hành lang các chung cư
TPO - Theo các chuyên gia, ở chung cư khó hơn ở nhà mặt đất, phải có sự hiểu biết, ứng xử đúng với văn hóa chung cư. Do đó, xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trong chung cư là việc cần tính đến.

Ứng xử, văn hóa ở chung cư khác với mặt đất

Sáng 14/12 báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức tọa đàm trực tuyến “Xây dựng văn hóa ứng xử trong chung cư mới trên địa bàn thành phố Hà Nội” nhằm đưa ra những giải pháp trong việc xây dựng văn hóa ứng xử cũng như tăng cường công tác quản lý trong các khu dân cư.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu tham dự nêu vấn đề, trước kia khi cuộc sống khó khăn, tình làng nghĩa xóm dường như gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau, nhưng bây giờ cuộc sống càng văn minh, phát triển hơn thì ứng xử với nhau dường như đi xuống. Đây cũng là vấn đề đang được thành phố Hà Nội quan tâm giao cho Sở VH-TT Hà Nội có hướng dẫn cho các khu chung cư trên địa bàn Hà Nội.

Bộ Quy tắc ứng xử chung cư: Giúp đánh thức văn hóa chung cư ảnh 1 Nhiều đại biểu đồng tình quan điểm: "Ở chung cư khó hơn ở nhà đất, nếu thiếu hiểu biết thì sẽ không ở được".

Về việc văn hóa chung cư đô thị mới, KTS Phạm Thanh Tùng cho rằng, đô thị Việt Nam chỉ hình thành khoảng hơn 100 năm nay, Việt Nam chỉ có văn hóa chung cư từ những năm 1990, khi những khu đô thị mới xuất hiện. Vì lẽ đó, văn hóa chung cư ở các đô thị mới còn lỏng lẻo, chưa có nền tảng.

KTS Phạm Thanh Tùng ví von, chung cư là “cỗ máy” để ở, đòi hỏi người ở phải là người thợ lành nghề, biết sử dụng các thiết bị hiện đại ở tòa nhà như cách sử dụng thang máy, hành lang, cửa thoát hiểm, các thiết bị phòng cháy chữa cháy…

Vì nhiều người ở chung cư thiếu sự hiểu biết, ứng xử nên mới có những hiện tượng như có nhiều người phi xe vào thang máy, ngồi ăn uống ở khắp hàng lang, giữ cửa thang máy... “Ở chung cư khó hơn ở nhà đất, nếu thiếu hiểu biết thì sẽ không ở được”, KTS Phạm Thanh Tùng bày tỏ.

Cần có bộ quy tắc ứng xử tại khu chung cư

Theo tôi, các khu chung cư mới được xây dựng bây giờ cơ sở vật chất khá tốt, rộng rãi, nên rất dễ tạo ra nếp sống văn hóa mới trong khu dân cư. Tuy hiện nay còn nhiều vấn đề vướng mắc nhưng việc làm này không phải không làm được. Trong đó, tôi đánh giá quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân.

Cần có 1 bộ quy tắc ứng xử tại khu đô thị, phát cho những hộ dân khi họ chuyển về sinh sống. Đó là chuẩn quy tắc chung của khu dân cư mà mọi người phải có trách nhiệm tuân theo.

Bên cạnh đó, để tránh các xung đột giữa cư dân và chủ đầu tư, ngay từ trong luật, quy định của cơ quan quản lý nhà nước phải phân định rõ, làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư. Ví dụ như khái niệm, bảo trì và bảo hành, trách nhiệm của chủ đầu tư trong vấn đề này cụ thể như thế nào?...

Tiếp đó, Ban quản trị chung cư phải được tổ chức hoạt động chuyên nghiệp, có trả thù lao, và phải bảo vệ quyền lợi chính đáng của cư dân.

Vừa qua, tôi có 1 cuộc trao đổi với đại diện Ban quản lý các tòa chung cư của Tập đoàn VinGroup. Tại sao các khu như: TimesCity, Royal City họ quản lý tốt như vậy? Qua câu chuyện có thể thấy, họ không quản lý trực tiếp mà thuê các đơn vị quản lý chuyên nghiệp, nên chăng các khu đô thị của chúng ta học tập và hướng tới mô hình quản lý hiện đại như vậy.

Đồng tình với quan điểm trên, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, định yếu tố về khuôn mẫu văn hoá và đạo đức trong cộng đồng là rất quan trọng, để làm sao người dân thấy xấu hổ khi không thực hiện bộ quy tắc ứng xử. Hiện nay, các nước đều chấm điểm việc người dân tham gia hoạt động cộng đồng, cụ thể là qua từng vụ việc, khuôn mẫu cụ thể. Với cách thức này, Việt nam có thể chấm điểm với chủ đầu tư dự án, bên cạnh các khung pháp luật có sẵn thì chúng ta có thể chấm điểm về khuôn mẫu và văn hoá của người chủ đầu tư. Tức khắc điều này sẽ xác định vị thế chủ đầu tư trên thị trường.

Cũng như vậy, việc chấm điểm có thể áp dụng với ban quản trị của nhà chung cư hay từng hộ dân. Nếu kết quả xuống một mức thấp nhất định thì sẽ giải tán ban quản trị để bầu lại. GS. Đặng Hùng Võ đề nghị: Chúng ta cần chấm điểm theo nhiều thang bậc để xem văn hoá của từng hộ ở mức rất cao hoặc rất thấp. Nếu bị chấm điểm thấp thì hộ gia định đó sẽ cảm thấy rất xấu hổ và phải cải thiện cung cách ứng xử.

“Tôi thấy ở các trường đại học cũng đang cho sinh viên chấm điểm thầy cô. Thì tới đây, khi đã có quy tắc ứng xử, việc tiếp theo là chúng ta cần khuôn mẫu và cách thức công khai kết quả chấm điểm. Ai kém sẽ phải tự sửa và không làm những hành vi xấu nữa”, ông Võ nói.

Về vấn đề xây dựng văn hóa ứng xử trong khu chung cư mới, ông Ngô Văn Nam, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống và gia đình (Sở VH-TT Hà Nội) cho biết, hiện nay theo chủ trương chung của UBND TP Hà Nội, vấn đề văn hóa chung cư đang đặc biệt được quan tâm.

Sở VH-TT Hà Nội đang tiến hành những hướng dẫn cụ thể tới từng quận, phường và các tổ dân phố việc thực hiện 2 Bộ Quy tắc ứng xử mà UBND thành phố Hà Nội đã công bố. Sở cũng đã tổ chức các buổi kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy tắc ứng xử, xây dựng nếp sống mới tại nhiều địa phương.

MỚI - NÓNG
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.