Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng |
Việc mới, chưa có tiền lệ
Chiều 10/8, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam: Đây là bản quy hoạch rất quan trọng, bao trùm tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Do đó, nếu quy hoạch đúng sẽ tạo động lực, thúc đẩy sự phát triển, còn không sẽ kìm hãm sự phát triển.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là nhiệm vụ mới, lần đầu tiên triển khai nên phức tạp, khó và chưa từng có tiền lệ. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội quý của đất nước để đánh giá lại hiện trạng, nhận diện những khó khăn, thách thức và đưa ra định hướng mới về không gian phát triển của đất nước, hiện thực khát vọng phát triển mà Đại hội Đảng XIII đã đề ra.
Về phương án phân vùng, đại diện Bộ KH&ĐT cho biết, đã có nhiều phương án đưa ra như chia lại thành 7 vùng. Tuy nhiên, sau nhiều lần thảo luận, xem xét, Chính phủ đã chỉ đạo sử dụng phương án phân thành 6 vùng kinh tế - xã hội hiện hành để thực hiện Luật Quy hoạch (trước đây Bộ KH&ĐT đưa ra hai phương án, trong đó phương án chia cả nước làm 7 vùng). Cụ thể, sáu vùng kinh tế - xã hội, gồm:
Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc gồm 14 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên và Hoà Bình.
Vùng Đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và Quảng Ninh. (phươgn án cũ không có Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Nguyên)
Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung gồm 14 tỉnh, thành phố: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận và Bình Thuận.
Vùng Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng.
Vùng Đông Nam Bộ gồm 6 tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh, thành phố: Thành phố Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.
Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung: Phát triển theo hai tiểu vùng
Theo Bộ KH&ĐT, phương án phân vùng hiện nay có tính kế thừa qua nhiều lần phân vùng khác nhau trước đây, đồng thời là cơ sở cho việc xây dựng các chính sách phát triển vùng, quy hoạch vùng trong 20 năm qua. Hiện đây là phương án phân vùng trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030. Các địa phương trong mỗi vùng cơ bản tương đồng về điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa, dân cư…, các địa phương có mối liên kết khá chặt chẽ về kinh tế, văn hóa, xã hội, kết cấu hạ tầng...
Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT cho rằng, phương án phân vùng hiện nay cũng còn có mặt chưa phù hợp như khoảng cách vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung quá dài. Để khắc phục hạn chế này, Bộ KH&ĐT cho biết, trong quá trình lập quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030 khi định hướng tổ chức phát triển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung theo hai tiểu vùng: Tiểu vùng Bắc Trung Bộ và Tiểu vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.
Về định hướng chung, dự thảo nhấn mạnh việc tổ chức không gian phát triển các vùng nhằm khai thác tốt thế mạnh của từng vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa chính trị, nguồn nhân lực trong bối cảnh và yêu cầu phát triển mới.
Bố trí không gian phát triển các vùng cần gắn với các hành lang kinh tế đi qua địa bàn vùng và kết nối với các hành lang kinh tế khu vực, quốc tế. Đối với các vùng Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long tập trung phát triển các vùng động lực.
Cùng với đó, hình thành và phát triển các khu vực động lực của từng vùng. Gắn phát triển của các khu công nghệ cao, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch với quá trình đô thị hóa. Phát triển hệ thống đô thị trung tâm phù hợp với chức năng của từng vùng. Hoàn thiện bộ khung kết cấu hạ tầng, nhất là các tuyến đường bộ cao tốc, cảng biển, cảng hàng không quy mô vùng và quốc gia trên địa bàn các vùng.
Đặc biệt, dự thảo nêu rõ tiếp tục sắp xếp các đơn vị hành chính các cấp, đơn vị hành chính đô thị và đơn vị hành chính nông thôn, bảo đảm quy mô và chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn của đơn vị hành chính theo quy định.