Bỏ phân ban, cho tự chọn, dạy học bậc trung học có thực sự đột phá?

Bỏ phân ban, cho tự chọn, dạy học bậc trung học có thực sự đột phá?
Dạy học tự chọn dù đổi mới, hiện đại, vận dụng tinh hoa của quốc tế đến đâu đi nữa thì vẫn phải lấy cơ sở thực tiễn Việt Nam làm nền tảng, làm gốc

Trước khi tiến hành phân ban ở bậc THPT năm 2006, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cổ súy, ngợi ca rất nhiều về những thay đổi, điểm mới, ưu việt… của chương trình, nội dung, sách giáo khoa phân ban. Nó sẽ khắc phục được những lạc hậu, hạn chế của chương trình cải cách trước đây, thổi được khí thế, tinh thần dạy và học mới cho thầy và trò. Nhưng thực tế, kết quả đến thời điểm này thì như thế nào? 

Có thể nói, chương trình dạy học phân ban của chúng ta đã bị phá sản hoàn toàn. Nhiều nội dung, kiến thức của sách giáo khoa phân ban trùng lặp, nặng nề, hàn lâm, xa rời thực tế cuộc sống… Học sinh lệch lạc trong học tập, chỉ chọn và tập trung học những môn học để thi Đại học. Các hoạt động hướng nghiệp, ngoài giờ lên lớp, giáo dục kỹ năng sống… chỉ mang tính chất hình thức, có bằng không. Đổi mới phương pháp dạy học được nói đến nhiều nhưng bế tắc, kém hiệu quả trong quá trình triển khai…

Thực hiện một phần lộ trình của Đề án đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị tại Hà Nội, đưa ra bàn thảo, dự kiến, sau năm 2015, sẽ thay thế dạy học phân ban ở bậc THPT hiện nay bằng phân hóa theo hướng tự chọn. Theo đó, ở năm học lớp 10, trường tổ chức hoạt động hướng nghiệp. Đến cuối năm, tất cả học sinh đều đã lựa chọn được nghề nghiệp tương lai. Trên cơ sở chương trình, kế hoạch dạy học, trường công bố danh mục các môn, chuyên đề tự chọn ở lớp 11, 12 mà nhà trường có đủ năng lực thực hiện.

Học sinh căn cứ vào ngành nghề tương lai để chọn các chuyên đề tự chọn thích hợp. Từ lớp 11, ngoài 3 môn học bắt buộc (toán, văn, ngoại ngữ), học sinh sẽ học các chuyên đề tự chọn phù hợp với những đặc điểm cá nhân, định hướng nghề nghiệp. Trên cơ sở danh sách các chuyên đề do Bộ ban hành, Sở GD&ĐT đề xuất, tùy điều kiện, năng lực, từng trường sẽ tổ chức cho các em chọn và học các chuyên đề phù hợp. 

Cũng theo dự thảo cách thức tổ chức dạy học chuyên đề tự chọn như sau: Trên cơ sở này, trường xây dựng thời khóa biểu dạy học (theo phòng học bộ môn) và phân công giáo viên. Phương pháp dạy học là tự học, làm việc theo nhóm, Xi- mê- na, thực hiện dự án học tập (tiếp cận phương pháp học ĐH, CĐ, đào tạo nghề). Ngoài đánh giá thường xuyên của giáo viên, kết thúc mỗi chuyên đề sẽ có đánh giá tổng kết (có thể thông qua bài kiểm tra giấy hoặc kết hợp kiểm tra kỹ năng thực hành). Học sinh phải đạt điểm trung bình trở lên thì mới được coi là đạt yêu cầu.

Về mặt lý thuyết như thế là ổn, là tốt nhưng để biến lý thuyết kia thành hiện thực, đạt được yêu cầu, mục tiêu như mong muốn trong thực tế không hề đơn giản chút nào. Đâu là những vật cản, khó khăn nội tại cần sớm tháo gỡ, giải quyết?

Thứ nhất là về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Khi thực hiện phân hóa, dạy học theo chuyên đề tự chọn thì liệu có đủ giáo viên và cơ sở vật, phòng ốc để đáp ứng hay không? Ai cũng biết, về phòng học, thiết bị ở nhiều trường THPT ở các vùng, địa phương hiện nay còn thiếu thốn, tạm bợ. Vả lại,  điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn thì Nhà nước có đủ sức kham nổi một lượng kinh phí lớn để sửa chữa, nâng cấp và đầu tư xây dựng mới nhiều phòng học cho yêu cầu mới không?

Được biết, các nước thực hiện dạy học phân hóa tốt vì sĩ số của mỗi lớp rất ít nên các tổ hợp lựa chọn không quá lớn, trong khi đó, sĩ số học sinh của các trường của ta lâu nay luôn lên tới 45-50. Về chất lượng đội ngũ thầy cô giáo bậc THPT cũng có vấn đề đáng quan ngại. Do cách đào tạo ào ạt, cốt cho đủ số lượng giáo viên trong thời gian dài nên số giáo viên, giảng viên tâm huyết với nghề, có trình độ, năng lực chuyên môn tốt, có ý thức đổi mới và vận dụng phương pháp dạy học mới không nhiều. Diện giáo viên có tay nghề, chuyên môn loại “ thường thường bậc trung”, ít tâm huyết,  bảo đâu làm đó, mải mê dạy thêm; chậm, ngại đổi mới phương pháp dạy học là khá phổ biến. Dù có tổ chức đào tạo lại, tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng, nhưng với thực lực hiện tại thì họ vẫn chưa thể đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ mới.

Thứ hai là, lựa chọn môn học, chuyên đề tự chọn của học sinh. Cơ cấu ngành nghề ở ta còn chậm phát triển, nhu cầu nhân lực các ngành, môn xã hội hạn hẹp, phụ huynh, học sinh có cái nhìn thực tế hơn, sẽ tập trung chọn các môn tự nhiên để thi cử, có nghề nghiệp ổn định trong tương lai. 

Đến lúc đó thì số giáo viên các môn xã hội sẽ rơi vào tình trạng thiếu giờ chuẩn trầm trọng. Giải quyết bài toán thiếu- thừa, chủ yếu thừa giáo viên trong nhà trường lại thêm phần phức tạp. Đụng đến con người, mọi chuyện không phải dễ. Chỉ đổi mới cách dạy- học ở bậc phổ thông theo hướng tự chọn mà không đổi mới, cải tiến thi đại học, vẫn thi khối  (A, B,C, D...) như hiện nay thì mọi nỗ lực cũng bằng không, phương án tự chọn sẽ bị phá sản. Phải tìm phương án mới cho việc xét và thi đại học sau năm 2015 để duy trì tốt việc dạy học tự chọn.

Là người trong cuộc, nhà giáo chúng tôi mong mỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo, các nhà biên soạn chương trình, sách giáo khoa mới ở bậc THPT cần có  hội nghị tổng kết lại cái được, cái chưa được của chương trình hiện nay trước khi thiết kế, biên soạn chương trình mới. 

Dạy học tự chọn dù đổi mới, hiện đại, vận dụng tinh hoa của quốc tế đến đâu đi nữa thì vẫn phải lấy cơ sở thực tiễn Việt Nam làm nền tảng, làm gốc. Đừng để mọi thứ rối rắm thêm và thất bại thảm hại như dạy học phân ban hiện nay.

Theo Theo Báo Giáo Dục Việt Nam
MỚI - NÓNG