Ngày 2/6, Bộ NN&PTNT có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành và chính quyền các cấp triển khai các giải pháp tối ưu nhất để tái đàn và tăng đàn lợn, đảm bảo nguồn cung thịt lợn.
Theo đó, các địa phương có chính sách hỗ trợ về đất đai, lãi suất vốn vay, tạo điều kiện thuận lợi nhằm tăng cường tái đàn và tăng đàn lợn. Kịp thời công bố hết dịch khi đủ điều kiện để các cơ sở chăn nuôi tái đàn, tăng đàn đảm bảo an toàn sinh học.
Bộ NN&PTNT lưu ý địa phương hoàn thiện thủ tục hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi thời gian qua.
Theo Bộ NN&PTNT, Thủ tướng đã yêu cầu cầu đảm bảo nguồn cung thịt lợn cho nhu cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, đến nay, nhiều địa phương tái đàn đàn lợn chỉ đạt ở mức thấp so với thời điểm trước khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Trong đó, nhiều địa phương tỷ lệ tái đàn còn dưới 50% so với trước khi xảy ra dịch như: Đồng Tháp, Lạng Sơn, Hải Phòng, Đà Nẵng, Kiên Giang, Hải Dương, An Giang, Long…
Về giá lợn hơi, sau khi Bộ NN&PTNT cho phép nhập khẩu lợn sống, giá lợn hơi trong nước có dấu hiệu chững lại và giảm nhẹ, nhưng vẫn ở mức cao.
Tại các tỉnh miền Bắc như: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Giang, Thái Bình, Thái Nguyên, Phú Thọ…giá lợn hơi vẫn giữ mức cao từ 97.000 đồng/kg đến 100.000 đồng/kg.
Khu vực Miền Tây và Đông Nam Bộ, giá lợn hơi chững lại và giảm nhẹ. Tại thủ phủ chăn nuôi Đồng Nai có mức giá 97.000 đồng/kg.
Theo các thương lái, lượng lợn hơi xuất chuồng khá khan hiếm, khó có thể mua được giá 70.000 đồng/kg theo yêu cầu của Chính phủ ở thời điểm hiện tại. Do vậy, giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng luôn ở mức cao từ 110.000 đồng/kg đến 280.000 đồng/kg tùy theo loại.
Hiện người chăn nuôi rất muốn tái đàn nhưng lợn nái hậu bị, lợn con rất khan hiếm, giá rất cao và khó mua, phải đặt hàng 3 đến 6 tháng sau mới có lợn. Giá lợn giống đang ở mức kỷ lục ở mức trung bình 3-3,6 triệu đồng/kg (khoảng 6 kg/con).