Hai doanh nghiệp được chuyển giao là Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex) và Công ty cổ phần Xây dựng và Chuyển giao công nghệ Thủy lợi. Cụ thể, tại Seaprodex, có vốn điều lệ 1.250 tỷ đồng, vốn nhà nước chiếm 63.38% (tương đương 792,3 tỷ đồng). Tại công ty cổ phần Xây dựng và Chuyển giao công nghệ Thủy lợi có vốn điều lệ 8 tỷ đồng, vốn nhà nước chiếm 36% (tương đương 2,88 tỷ đồng).
Theo ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch SCIC, kết quả trên là nỗ lực rất lớn cả một quá trình, với sự tham gia của nhiều bên. Ông cũng đánh giá Bộ NN&PTNT là đơn vị tiên phong trong việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho SCIC theo chỉ đạo của Chính phủ. Bởi, thực tế, SCIC cũng “sốt ruốt” khi nhiều bộ, địa phương vẫn còn chậm trên trong việc chuyển giao nói trên.
Theo lãnh đạo SCIC, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, SCIC sẽ tiếp tục làm việc với các bộ và địa phương để thúc đẩy tiến độ chuyển giao vốn nhà nước từ Bộ ngành, địa phương về SCIC.
“Đối với các doanh nghiệp sau khi tiếp nhận chuyển giao, SCIC sẽ phối hợp chặt chẽ với các cổ đông của doanh nghiệp để duy trì sự ổn định và phát triển doanh nghiệp, phát huy được thế mạnh, truyền thống và thương hiệu của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tăng trưởng hiệu quả và gia tăng giá trị đồng vốn nhà nước tại doanh nghiệp”- ông Chi nói.
Theo ông Phạm Quang Hiển, Vụ trưởng Quản lý Doanh nghiệp (Bộ NN&PTNT) sau khi chuyển giao 2 doanh nghiệp nói trên, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo xử lý tồn tại, hoàn thiện hồ sơ tại 2 doanh nghiệp còn lại do Bộ quản lý là Công ty TNHH MTV Thủy sản Hạ Long và Công ty TNHH MTV XNK Nông sản Thực phẩm Hà Nội để chuyển giao vốn nhà nước về SCIC theo quy định.
Theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 về danh mục thoái vốn nhà nước giai đoạn 2017-2020 của Thủ tướng, các bộ, địa phương chuyển giao về SCIC để triển khai bán phần vốn nhà nước tại 62 doanh nghiệp ( tại 6 bộ và 16 địa phương) với tổng số vốn nhà nước là trên 11.200 tỷ đồng (chiếm 65,3% vốn điều lệ các doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao).