Bỏ Điều 292
Ngày 3/10, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, dự thảo luật đã bỏ tội danh cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 292).
Chính phủ cho rằng, kinh doanh trên mạng đang là một hướng phát triển có tiềm năng và ngày càng có nhiều người tham gia. Vì vậy, pháp luật cần có cơ chế thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh để phát triển lĩnh vực kinh doanh này. Đối với hành vi kinh doanh trên mạng trái phép, tuỳ từng trường hợp cụ thể có thể bị xử lý vi phạm hành chính hay xử lý hình sự.
Đồng tình với việc bỏ Điều 292, tuy nhiên nhiều ý kiến đề nghị cần giữ lại hành vi cấm kinh doanh vàng trên tài khoản và kinh doanh hàng đa cấp bất chính. Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, bán hàng đa cấp đang là “cơn ác mộng” tại nhiều vùng quê nghèo, hiện rất khó kiểm soát. Bộ Công Thương cũng cho rằng rất khó để đánh giá tác động hiệu quả trong thu thuế, nhưng tiêu cực thì thấy rõ là ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.
Không mở rộng phạm vi sửa đổi
Hiện đến thời điểm này đã có tổng cộng 141 điều sai sót trong Bộ luật Hình sự năm 2015. Liên quan đến phạm vi sửa đổi, Bộ Tư pháp cho biết, hiện có hai loại ý kiến khác nhau. Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng, phạm vi sửa đổi, bổ sung chỉ nên dừng lại ở những điều khoản cần thiết nhất, khắc phục những sai sót rõ ràng về kỹ thuật, kết hợp xử lý những quy định chưa hợp lý. Tuy nhiên loại ý kiến thứ hai thì đề nghị không nên quá lệ thuộc vào thời hạn trình dự án luật mà hạn chế phạm vi sửa đổi, bổ sung và phải sửa đổi triệt để, toàn diện cho phù hợp.
Ủng hộ phương án tập trung sửa đổi 141 điều sai sót đã được phát hiện, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, nếu mở rộng phạm vi, rất có thể sẽ bị rơi vào thái cực khác và từ sai này dẫn đến sai khác. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga kiến nghị thêm, trong quá trình cho ý kiến, sẽ tiếp tục xem xét, nếu phát hiện thêm một vài điều sai sót có thể du di, cân nhắc sửa đổi. Tuy nhiên bà Nga đề nghị không chấp nhận và cần xử lý trách nhiệm kiểu làm luật “chạy tiếp sức”.
Còn nhiều loại chất gây nghiện khác
Quy định sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 12 của Bộ luật Hình sự năm 2015 liên quan đến phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi cũng là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau. Chính phủ cho rằng, Bộ luật cần sửa đổi theo hướng người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý, hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các tội danh cụ thể.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng nêu ra hai vấn đề lớn cần xin ý kiến là việc bổ sung chất ma túy, cây có chứa chất ma túy mới xuất hiện và quy định liên quan đến vấn đề xác định hàm lượng để quy ra khối lượng, hoặc thể tích chất ma túy làm cơ sở cho việc xử lý hình sự.
Đề nghị trong quy định cần có một câu quét để không bỏ lọt các chất gây nghiện khác, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, các chất gây nghiện xuất hiện ngày càng nhiều, rất khó kiểm soát. Chẳng hạn vừa qua mới phát sinh loại chất độc mới như cỏ Mỹ, hay gần đây có loại ma túy kiểu như tem ảnh trẻ em mua về dán vào lưỡi. Loại “ma túy bùa lưỡi” này rất dễ chịu và dễ gây nghiện đối với trẻ em.
Đối với hàm lượng chất ma túy, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cùng nhiều đại biểu khác đều có chung quan điểm, phải xác định hàm lượng để quy ra khối lượng hoặc thể tích chất ma túy làm cơ sở cho việc xử lý hình sự. “Giống như quy định khi hỏi cung bắt buộc phải ghi âm, ghi hình trước đây cũng nhận được nhiều ý kiến khác nhau, nhưng với mục tiêu đảm bảo khách quan cuối cùng vẫn phải quy định điều này”, ông Chiến cho hay.
Dự kiến tại kỳ họp thứ 2 tới đây Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Tuy nhiên, phát biểu tại phiên khai mạc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 3/10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Chính phủ đã đề nghị chưa trình dự án luật này ra kỳ họp thứ 2. Chủ tịch Quốc hội đề nghị rút dự án Luật Phòng, chống tham nhũng ra khỏi chương trình phiên họp thứ 4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.