Bộ Lao động: Có tư tưởng đấu tranh để được nghèo

Hiện có tư tưởng không muốn thoát nghèo. Ảnh minh họa: L.H.Việt.
Hiện có tư tưởng không muốn thoát nghèo. Ảnh minh họa: L.H.Việt.
TPO - Sáng nay (22/11), trả lời Tiền Phong, Thứ trưởng LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm cho biết, qua kiểm tra của bộ và cả giám sát của Quốc hội vừa qua có phát hiện tư tưởng không muốn thoát nghèo, thậm chí đấu tranh để được nghèo.

Thông tin trên được Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm đưa ra tại Hội nghị tổng kết dự án hỗ trợ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (PRPP), diễn ra sáng 22/11, do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Đại sứ quán Ai Len tổ chức.

Trả lời Tiền Phong, ông Đàm cho biết, hiện có tư tưởng không muốn thoát nghèo, thậm chí mình không phải diện hộ nghèo vẫn muốn được thôn, xã đưa vào diện nghèo. Điều này có nguyên nhân sâu xa từ chính sách, khi có nhiều chính sách hỗ trợ cho người nghèo, nên ai cũng muốn được hưởng.

Vì vậy, theo ông Đàm, chỉ khi nào chúng ta thay đổi chính sách một cách căn bản, triệt tiêu tư tưởng trông chờ thụ hưởng chính sách cho không của nhà nước. Chỉ khi đó mới có thể không có tư tưởng đấu tranh để được vào diện nghèo và chỉ muốn được nhà nước hỗ trợ để thoát nghèo.

“Phải tuyên truyền để người dân có tư tưởng tự ti, tự ái mình là hộ nghèo, có thể mới có động lực thoát nghèo. Còn giờ thấy được nghèo là bình thường, không có gì phải e dè, thậm chí không phải xấu hổ với làng xóm thì vẫn không thay đổi được”, ông Đàm nói.

Vừa qua, sau các trận lũ lụt ở miền Trung, các đoàn cứu trợ về địa phương đoàn nào cũng muốn trao quà cho các hộ nghèo, dẫn tới có nhà được nhiều nhà ít, có trưởng thôn đứng ra thu lại để phân phát cho đều. Khi đó mới có trưởng thôn thừa nhận, thôn có 150 hộ dân, hầu hết đều khó khăn như nhau, nhưng vì trên ra chỉ tiêu hộ nghèo nên phải nhường nhau luân phiên hưởng chính sách hộ nghèo.

Vấn đề này, ông Đàm cho rằng, cách làm “luân phiên” hộ nghèo như trên của địa phương là không đúng, cũng đã lên án, phê phán nhiều năm qua, nếu còn phải chấn chỉnh. Theo ông Đàm, nghèo là phản ánh khách quan, chúng ta có cơ chế, tiêu chí để rà soát, đánh giá xem hộ nào nghèo. Nếu còn nghèo sẽ vẫn mãi nằm trong danh sách khi nào thoát được mới thôi.

“Không phải vì bệnh thành tích mà đưa người này vào người kia ra để lấy thành tích giảm nghèo cho địa phương, nhưng nhiều người nghèo không được hưởng chính sách. Điều này là không được”, ông Đàm nói.

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, công tác giảm nghèo thời gian qua đã đạt được những thành tựu to lớn, được thế giới công nhận. Tuy nhiên, từ nay với cách tiếp cận chuẩn nghèo đa chiều mới, sẽ có nhiều yêu cầu cao hơn trong công tác giảm nghèo, nâng cao dân trí, đời sống người dân, đặc biệt ở khu vực nông thôn, miền núi.

Theo ông Dung, sẽ thay đổi chính sách giảm nghèo thời gian tới, tăng cường chính sách cho vay hỗ trợ có điều kiện, giảm tối đa chuyện cấp không (chỉ cấp không với trường hợp không thể không cấp). Qua đó để không tạo sự ỷ lại của người thụ hưởng chính sách.

Thống kê hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều mới của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, hiện cả nước có hơn 2,33 triệu hộ nghèo (chiếm 9,8% số hộ cả nước), số hộ cận nghèo trên 1,23 triệu hộ.

Tỉnh có nhiều hộ nghèo nhất nước là Thanh Hóa (hơn 128 nghìn hộ), Nghệ An (hơn 95 nghìn hộ), Sơn La (hơn 92 nghìn hộ). Trong khi Bình Dương là địa phương duy nhất không có hộ nghèo và cận nghèo, TPHCM cũng chỉ có 344 hộ nghèo, trong khi Hà Nội có hơn 53 nghìn hộ nghèo, xếp thứ 14.

Với chuẩn nghèo cũ (dựa trên thu nhập), Tổng cục Thống kê ước tính số hộ nghèo cả nước năm 2015 chiếm khoảng 7% số hộ.

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
TPO - TIN NÓNG ngày 12/12: Công an Hà Nội điều tra vụ cháu bé 11 tuổi bị cứa cổ, hành hạ khi câu cá tại ao nhà hàng xóm; Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 đã 'rửa' hàng trăm tỷ thu lợi bất chính từ khai thác trái phép cát ra sao?; Nhóm thanh niên Hải Dương mang kiếm sang Bắc Ninh trộm tiền công đức ở đền chùa...
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.