Bộ GTVT chính thức lên tiếng về thay đổi quy định với bằng PET

TPO - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có thông báo chính thức liên quan đến việc cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX) bằng chất liệu PET. Dù chấp nhận bỏ quy định nếu không đổi GPLX từ giấy bìa sang dạng PET, người sở hữu bằng lái phải thi lại phần lý thuyết nhưng Bộ GTVT vẫn muốn giữ lộ trình chuyển đổi hoàn toàn sang bằng PET vào cuối năm 2020.

Bộ GTVT cho hay, thực hiện chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2016, Bộ đang tiến hành xây dựng dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 58/2015/TT-BGTVT quy định về đào tạo, sát hạch và cấp GPLX cơ giới đường bộ.

Với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, trong dự thảo Thông tư này Bộ GTVT quy định, việc chuyển đối GPLX sang vật liệu PET theo hướng: Đối với GPLX không thời hạn, việc chuyển đổi đổi sang GPLX mới bằng vật liệu PET được thực hiện đến ngày 31/12/2020 mà không yêu cầu thi lại lý thuyết; đối với GPLX có thời hạn, người sử dụng sẽ chuyển đổi sang GPLX mới bằng vật liệu PET khi hết thời hạn ghi trên giấy phép.

Bộ GTVT cho hay: GPLX cơ giới đường bộ có chất liệu bằng giấy đã được các cơ quan có thẩm quyền phát hành và cấp cho người dân sử dụng từ nhiều năm nay. Quá trình sử dụng GPLX bằng giấy đã bộc lộ nhiều bất cập như: lạc hậu, mức độ bảo mật không cao, dễ bị làm giả; dễ bị tẩy xóa, sửa đổi, dễ bị hư hỏng trong quá trình sử dụng; kích thước không phù hợp; không thuận tiện cho công tác quản lý, xử lý khi người lái xe vi phạm...

Ngày 20/8/2014, Việt Nam là thành viên Công ước Viên 1968 về giao thông đường bộ, đây là bước chuyển đổi quan trọng trong quá trình hội nhập về giao thông đường bộ của Việt Nam.

Theo quy định của Công ước Viên, các bên tham gia phải tiến hành các biện pháp thích hợp đảm bảo rằng những quy tắc đường bộ hiện hành trong lãnh thổ của nước mình phù hợp về bản chất với các điều khoản trong Công ước Viên.

Để tuân thủ các quy định của Công ước cũng như đáp ứng yêu cầu quản lý, Bộ Giao thông vận tải đã quy định lộ trình chuyển đổi GPLX sang GPLX bằng vật liệu PET.

Bộ GTVT cho rằng, GPLX bằng vật liêu PET có nhiều ưu điểm: Độ bền cơ học cao, được in bằng tiếng Việt và tiếng Anh tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam có nhu cầu lái xe, cấp GPLX quốc tế. Đây cũng là một trong các yếu tố để các quốc gia tham gia Công ước Viên công nhận giá trị hiệu lực của giấy phép quốc gia và giấy phép quốc tế do Việt Nam cấp. (Hiện có 85 nước thành viên Công ước Viên). Khi chuyển đổi sang GPLX mới bằng vật liệu PET, các thông tin về người lái xe trong suốt quá trình từ đào tạo, sát hạch, các vi phạm khi hành nghề hoặc khi tham gia giao thông… đều được tích hợp trên cơ sở dữ liệu quản lý GPLX quốc gia, tạo thành một hệ thống cơ sở dữ liệu đồng bộ đảm bảo việc truy cập, tra cứu nhanh chóng.

Việc chuyển đổi GPLX giấy sang thẻ nhựa PET còn giúp tăng cường và hiện đại hóa công tác quản lý, hạn chế tối đa việc làm giả GPLX, giảm bớt thủ tục, thời gian xác minh, cấp, đổi GPLX.

Bộ GTVT cho rằng, “việc xây dựng Thông tư 58/2015/TT-BGTVT đã được Bộ GTVT lấy ý kiến rộng rãi đến các đối tượng chịu sự tác động trước khi ban hành, triển khai thực hiện” – Thông báo của Bộ GTVT nêu. Lộ trình chuyển đổi GPLX sang bằng PET đã được thông tin rộng rãi.  Đến nay cả nước đã chuyển đổi xong 95% GPLX ô tô, còn khoảng 300.000 GPLX, đảm bảo xong trong năm 2016 theo lộ trình.

Theo Thông tư 58/2015 hiện hành của Bộ GTVT, thời điểm hết hạn đổi GPLX bằng vật liệu giấy sang vật liệu PET là 31/12/2016; còn đối với bằng lái xe máy, hạn cuối cùng là 31/12/2020. Quá hạn 6 tháng, người có bằng lái không đổi sang vật liệu PET phải thi lại lý thuyết. Quy định này khiến người dân lo ngại, tập trung đổi GPLX khiến một số điểm cấp đổi bị quá tải. Bộ Tư pháp khẳng định việc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) bắt buộc người dân chuyển đổi giấy phép lái xe (không thời hạn hoặc còn thời hạn sử dụng) từ giấy bìa sang vật liệu PET và phải sát hạch lại lý thuyết nếu không chuyển đổi là không có cơ sở pháp lý, tác động tiêu cực đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

MỚI - NÓNG