Như Tiền Phong đã đưa tin, ngày 18-5, CQĐT đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can, khám xét, bắt tạm giam ông Dũng và các ông Mai Văn Phúc (Vụ phó Vụ Vận tải, nguyên Tổng GĐ Vinalines) và Trần Hữu Chiều, Phó Tổng GĐ Vinalines để điều tra.
Nhưng ông Dũng không có mặt tại cơ quan cũng như ở nơi cư trú. Lãnh đạo Cục Hàng Hải Việt Nam cũng không hay biết về “hành tung” và không liên hệ được với ông Dũng.
Ngay trong chiều 18-5, Thứ trưởng Bộ GTVT Trương Tấn Viên đã ký quyết định tạm đình chỉ công tác Đảng và chính quyền đối với ông Dũng và ông Mai Văn Phúc, Vụ phó Vận tải.
Các bị can trên bị tình nghi có hành vi cố ý làm trái khi quyết định mua ụ nổi No83M, thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam, gây lãng phí vốn đầu tư phát sinh đến 30-4-2010 là 489,614 tỷ đồng; các khoản chi phí, lãi vay từ 30-4-2010 đến 30-9-2011 là 24,206 tỷ đồng và các khoản chi phí tiếp theo trên 16 tỷ đồng/tháng trong thời gian chưa đưa ụ nổi vào khai thác.
Bộ GTVT bật đèn xanh để mua ụ nổi đời cũ?
Liên quan vụ việc một số nguyên lãnh đạo Tổng Cty Vận tải Hàng hải Việt Nam (Vinalines) bị khởi tố và bắt tạm giam. Có nhiều thông tin, cơ quan chức năng sẽ làm rõ trong quá trình điều tra. Tuy nhiên, một nguyên lãnh đạo Vinalines vừa bị khởi tố cho biết: Việc mua ụ nổi No83M được sự đồng ý của Bộ GTVT hồi năm 2007.
Theo vị này, việc dùng ụ nổi No83M (đang neo đậu tại cảng Gò Dầu B-Đồng Nai, với chi phí phát sinh thường xuyên như: Thuê neo đậu 420 triệu đồng/tháng, thuê 2 tàu lai trực sự số 700 USD/ngày và các chi phí thuê bảo vệ, bảo dưỡng…) không hiệu quả như hiện nay là do một số lãnh đạo Vinalines sau này không triển khai những gì HĐQT đã quyết.
Theo đó, việc mua chiếc ụ nổi đã được sự đồng thuận cao của HĐQT và dưới sự hướng dẫn cụ thể của Bộ GTVT. Thậm chí, Bộ GTVT còn cử cơ quan chức năng sang Nga để thẩm định, trước khi kéo về Việt Nam sửa chữa. “Mọi quyết định đều đúng quy trình chặt chẽ”, vị nguyên lãnh đạo Vinalines cho biết.
Không những thế, ông này nhấn mạnh: Phải làm chặt chẽ vì thời điểm đó, trong nội bộ lãnh đạo Vinalines có sự “canh me” nhau.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, ụ nổi No83M được duyệt mua ngày 8-10-2007, do Nhật Bản sản xuất năm 1965 có sức nâng 25.000 tấn, tổng mức đầu tư trên 14 triệu USD.
Tiền trả cho bên bán là 9 triệu USD, phí vận chuyển từ Nga về Việt Nam là 4,5 triệu USD. Không đảm bảo kỹ thuật đăng kiểm, ụ phải sửa chữa hết 193 tỉ đồng, khiến tổng mức đầu tư của việc mua ụ lên đến 26,3 triệu USD.
Nếu đúng như tiết lộ của nguyên lãnh đạo Vinalines, Bộ GTVT cũng liên đới trong quá trình mua chiếc ủ nổi già nua trên. Trước khi bị bắt vài tiếng đồng hồ, vị này đã dành riêng cho Tiền Phong cuộc phỏng vấn xung quanh một số thông tin liên quan Vinalines thời kỳ ông còn làm lãnh đạo.
Mời bạn đọc đón xem vào số báo ngày mai 21-5.