Cụ thể, phương án do UBND tỉnh Tiền Giang đề xuất gửi Bộ GTVT hôm 26/7, so với giá vé tối đa theo quy định tại Thông tư số 28/2021/TT-BGTVT, mức giá cho các nhóm phương tiện như sau:
Nhóm 1 (xe ô tô dưới 12 ghế ngồi, xe tải dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng) là 2.000 đồng/xe/km (giảm 100 đồng, tương đương giảm 4,76%).
Nhóm 2 (xe ô tô từ 12 đến 30 ghế ngồi, xe tải từ 2 đến dưới 4 tấn) là 3.000 đồng/xe/km, bằng mức giá tối đa theo Thông tư 28.
Nhóm 3 (xe khách từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải từ 4 đến dưới 10 tấn) là 3.500 đồng/xe/km (giảm 900 đồng, tương đương giảm 20,45%).
Nhóm 4 (xe tải có tải trọng từ 10 đến dưới 18 tấn, xe chở hàng bằng container 20 feet) là 4.500 đồng/xe/km (giảm 3.500 đồng, tương đương giảm 43,75%).
Nhóm 5 (xe có tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40 feet) là 6.500 đồng/xe/km (giảm 5.500 đồng, tương đương giảm 45,83%).
Thời gian thu phí hoàn vốn là 14 năm 8 tháng.
Trạm thu phí trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. |
Theo UBND tỉnh Tiền Giang, từ ngày 30/4/2022, tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đã đưa vào khai thác để người dân lưu thông và đánh giá khách quan về chất lượng công trình, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông, để kịp thời điều chỉnh nhằm đảm bảo an toàn cho các phương tiện lưu thông trên tuyến.
Trong thời gian này, doanh nghiệp dự án (DNDA) đã tổ chức thu phí thử (không thu tiền) và xác định lưu lượng xe để thống nhất phương án giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại cao tốc này. Sau khi dán nhãn phân loại các nhóm xe, DNDA đã thống kê lưu lượng cụ thể.
Theo đó, trung bình lưu lượng xe là 26.288 xe/ngày đêm, trong đó, tỷ lệ của từng nhóm xe như sau: nhóm 1 là 14.464 xe/ngày đêm; nhóm 2 có 3.890 xe/ngày đêm; nhóm 3 có 4.545 xe/ngày đêm; nhóm 4 là 1.910 xe/ngày đêm và nhóm 5 là 1.479 xe/ngày đêm.
Nhằm giảm bớt khó khăn cho DN và người dân sau đại dịch, trên cơ sở lưu lượng xe lưu thông qua tuyến và phương án tài chính đã được phê duyệt, UBND tỉnh Tiền Giang đã phối hợp với liên danh nhà đầu tư, DNDA và ngân hàng cấp tín dụng xây dựng và thống nhất phương án giá dịch vụ đường bộ tại dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, với mức giá đề xuất như trên.
Sau thời gian DNDA tổ chức vận hành thử nghiệm thu phí, hệ thống thiết bị và phần mềm quản lý thu phí đã vận hành ổn định, nhân sự đã được bố trí đầy đủ và được đào tạo theo quy trình quản lý vận hành công tác thu phí, đảm bảo đủ điều kiện để tiến hành thu phí chính thức.
Tuy nhiên, theo nguồn tin của PV, để triển khai thu phí chính thức vẫn còn chờ sự thống nhất của phía DNDA là Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận.