Chiều 28/3, trả lời câu hỏi của phóng viên về trách nhiệm của Bộ GTVT trong quản lý tài xế, đăc biệt tài xế điều khiển xe khách, xe tải sau hàng loạt vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng vừa qua, ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT) cho biết: Tất cả doanh nghiệp vận tải phải có bộ phận quản lý an toàn, các xe đều phải lắp thiết bị giám sát hành trình. Do đó, bộ phận này phải giám sát hoạt động của tài xế, từ luồng tuyến hoạt động, thời gian làm việc, nghỉ ngơi của tài xế.
“Nên trách nhiệm chình quản lý tài xế là doanh nghiệp vận tải”, ông Thạch nói.
Về phía Bộ GTVT, theo ông Thạch, tới đây Tổng cục Đường bộ sẽ xây dựng hệ thống quản lý lái xe kinh doanh vận tải. Với hệ thống này, các doanh nghiệp sẽ phải cập nhật lý lịch, quá trình làm việc của lái xe, những vi phạm, sức khỏe, nghiện ma túy... Để nếu tài xế vi phạm ở 1 doanh nghiệp, doanh nghiệp khác sẽ biết để không tuyển dụng lại. Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước cũng nắm được lý lịch của tài xế.
Cùng đó, Tổng cục Đường bộ sẽ bổ sung thêm quy định tài xế xe kinh doanh phải có chứng chỉ hành nghề, như luật sư. “Để được cấp chứng chỉ này, ngoài bằng lái phù hợp loại xe tương ứng, tài xế còn phải có giấy khám sức khỏe, không nghiện ma túy, lý lịch tư pháp rõ ràng, tức phải là người đàng hoàng, không vi phạm pháp luật”, ông Thạch nói thêm.
Trước đó, vào khoảng 5h30 sáng 27/3, xe khách giường nằm chạy tuyến Điện Biên – Vĩnh Phúc đã bất ngờ đâm vào đoàn người đưa tang. Hậu quả làm 7 người chết, 3 người bị thương.
Theo số liệu của Bộ GTVT, trong Quý I/2019, cả nước xảy ra 4.030 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1.905 người, bị thương 3.141 người. So với cùng kỳ, số vụ giảm hơn 13%, số người chết giảm hơn 11%, số người bị thương giảm hơn 13%.