Tin từ Bộ GTVT cho hay, cơ quan này vừa kiến nghị Thủ tướng giao UBND các địa phương làm cơ quan có thẩm quyền triển khai Dự án tuyến vành đai 4 TPHCM. Theo quy hoạch, tuyến đường này dài khoảng 200km, đi qua 5 tỉnh thành gồm: TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Tổng vốn đầu tư khoảng 100.000 tỷ đồng.
Định hướng trong quy hoạch tuyến đường trên cũng giao UBND các tỉnh thành tổ chức quản lý quỹ đất, triển khai những đoạn thành phần có đủ điều kiện; hoặc chủ động kêu gọi, huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng.
Tới nay, Bình Dương đã đầu tư được 21 km bằng nguồn ngân sách địa phương, Long An đang triển khai khoảng 25 km. Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ GTVT) đã hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đoạn Bến Lức - Hiệp Phước, đang đợi bộ phê duyệt. Các đoạn còn lại chưa được nghiên cứu.
Trước đó, Chính phủ đã thống nhất giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các địa phương liên quan xác định dự án thành phần, và giao UBND các địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện theo phương thức đối tác công – tư (PPP). Tới nay, UBND các địa phương đã có văn bản thống nhất triển khai.
Trong đó, Bà Rịa - Vũng Tàu đầu tư đoạn Phú Mỹ - Bàu Cạn, dài khoảng 18 km; Đồng Nai thực hiện đoạn Bàu Cạn - cầu Thủ Biên (không bao gồm cầu Thủ Biên), dài khoảng 45 km; Bình Dương thực hiện đoạn cầu Thủ Biên - sông Sài Gòn (gồm cầu Thủ Biên, không gồm cầu vượt sông Sài Gòn), dài khoảng 49 km; TPHCM thực hiện đoạn cầu qua sông Sài Gòn - kênh Thầy Cai (gồm cầu vượt sông Sài Gòn), dài khoảng 17 km; Long An thực hiện đoạn kênh Thầy Cai - Hiệp Phước (gồm cả đoạn qua khu vực Hiệp Phước), dài khoảng 71 km.
Để tạo điều kiện cho các địa phương chủ động nghiên cứu, sớm triển khai các dự án thành phần của tuyến Vành đai 4 TPHCM, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng giao cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án thành phần như trên.
Trước đó, hồi tháng 5 vừa qua, UBND TPHCM đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT đẩy nhanh đầu tư dự án đường Vành đai 4 TPHCM. Trong đó, địa phương kiên bộ ngành liên quan xem xét cơ chế hỗ trợ một phần vốn trung ương cho các địa phương triển khai dự án trong giai đoạn 2021-2025.
Ngoài đường Vành đai 4, UBND TPHCM cũng kiến nghị Bộ GTVT sớm đầu tư khép kín đường Vành đai 3, khi tới nay mới chỉ hoàn thành đoạn qua tỉnh Bình Dương (dài hơn 16km), còn hơn 72km chưa đầu tư, với tổng vốn hơn 60.000 tỷ đồng.