Bộ Giáo dục cập nhật lại đáp án môn Lịch sử do 'lỗi kỹ thuật'

Thí sinh dự thi kì thi THPT quốc gia 2017
Thí sinh dự thi kì thi THPT quốc gia 2017
TPO - TS Sái Công Hồng - Phó cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết sự khác nhau giữa đáp án là do bản thông tin ban đầu được sao chép từ đĩa nén, có lỗi nhảy ô và nhòe chữ. Đây là lỗi về kĩ thuật.

Kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2017, nhiều về thắc mắc câu hỏi số 22 ở mã đề 302 môn Lịch sử (tương đương câu hỏi số 14 ở mã đề 316) có sự thay đổi về đáp án.

Trả lời PV Tiền Phong chiều 26/6, TS Sái Công Hồng - Phó cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT), cho biết sự khác nhau giữa đáp án là do bản thông tin ban đầu được sao chép từ đĩa nén, có lỗi nhảy ô và nhòe chữ. Đây là lỗi về kĩ thuật.

Ngay tối 24/6, Bộ GD&ĐT đã thay thế bằng bản scan văn bản cứng dùng để gửi đi các sở GD&ĐT (có dấu đỏ) và đưa lên website của Bộ GD&ĐT. Như vậy, đáp án đúng là phương án D. Chiến tranh đặc biệt. 

Câu hỏi này như sau:

“Mỹ chính thức tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất khi thực hiện chiến lược chiến tranh nào ở Miền Nam:

A.   Chiến tranh cục bộ
B.   Đông Dương hóa chiến tranh 
C.   Việt Nam hóa chiến tranh 
D.   Chiến tranh đặc biệt

Cụ thể, đáp án đăng trên các phương tiện truyền thông và website của Bộ GD&ĐT trong chiều 24/6 là A. Chiến tranh cục bộ. Sau đó, Bộ GD&ĐT đăng tải phần đáp án (có in dấu đỏ) là phương án D. Chiến tranh đặc biệt. 

Đề chưa chặt chẽ?

Theo nhiều giáo viên dạy Lịch sử, một câu hỏi trắc nghiệm trong đề thi môn này không chặt chẽ, dẫn đến nhiều đáp án khác nhau.

Thạc sĩ Trần Trung Hiếu, giáo viên Lịch sử trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An nêu quan điểm, với một đề thi trắc nghiệm khách quan, dữ liệu được chọn ra phải chính xác, chỉ có một đáp án đúng.

“Nói cách khác, xét về phương diện khoa học, đáp án đúng chỉ có một”- TS Hiếu nhấn mạnh.

Thầy Hiếu cũng cho rằng, nếu một câu hỏi có nhiều đáp án đúng sẽ tạo nên tâm lý hoang mang và gây thiệt thòi cho các em về mặt điểm số khi xét tuyển (0,25 điểm).

Theo thầy Nguyễn Văn Hải, giáo viên trường THPT Nguyễn Huệ  (Bình Định) cho rằng câu hỏi này không tường minh, thiếu chặt chẽ.

Thầy Hải phân tích, thực chất, Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại lên tầm mới để cứu vãn chiến lược Chiến tranh đặc biệt trong nguy cơ thất bại hoàn toàn, đồng thời để chuẩn bị hỗ trợ việc thực hiện chiến lược chiến tranh cục bộ. Thời điểm này bắt buộc thay thế bằng cuộc chiến lược mới, không thể để Chiến tranh đặc biệt ngày càng sa lầy và thất bại nằm trong tầm tay.

Vì thế, theo thầy giáo này, câu hỏi như vậy với đáp án của Bộ xét về mặt thời gian là đúng nhưng về bản chất là sai.

“Chính vấn đề này trong sách giáo khoa cũng không có sự thống nhất nên đáp án câu này cũng không có sự thống nhất”- thầy Hải ý kiến.

Cũng theo thầy Hải, chính việc đáp án có thay đổi lại đã khiến nhiều học sinh của thầy “khóc dở, mếu dở”.

“Học sinh của tôi là Em Trần Xuân Toán, học sinh trường THPT Quang Trung xem đáp án chiều 24/6 thì tính được 10 điểm, nhưng đáp án tối 24/6 thì chỉ còn 9,75 điểm. Việc thay đổi đáp này khiến nhiều học sinh bức xúc, phân vân”- thầy Hải cho biết.

TS Nguyễn Khắc Thái, giảng viên ĐH Quảng Bình, đề thi Lịch sử chưa chặt chẽ, việc loại trừ kiến thức có vấn đề. Thầy Thái cho rằng, nguyên tắc trắc nghiệm là phải lập luận rõ ràng, trong khi đó, câu hỏi này có thể có 3 phương án trả lời đúng.

MỚI - NÓNG