Bộ GD&ĐT yêu cầu báo cáo việc dạy học trực tiếp

0:00 / 0:00
0:00
Bộ GD&ĐT yêu cầu địa phương báo cáo việc dạy học trực tiếp
Bộ GD&ĐT yêu cầu địa phương báo cáo việc dạy học trực tiếp
TPO - Bộ GD&ĐT vừa đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo việc tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

Nhằm thúc đẩy mở cửa trường học và đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trong ngành Giáo dục, Bộ GD&ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo báo cáo tiến độ và kết quả triển khai hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Chỉ đạo Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân cấp quận/huyện tổ chức khảo sát, đánh giá tác động của dịch COVID-19 đối với ngành Giáo dục địa phương; đề xuất, kiến nghị các giải pháp khắc phục theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Trước mắt, đề nghị các địa phương báo cáo Bộ GD&ĐT về tác động tiêu cực của dịch COVID-19 và đề xuất Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ đối với cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.

Chỉ đạo sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở GD&ĐT lên phương án, kịch bản xử lý tình huống khi dịch bệnh xảy ra trong trường học; kiện toàn, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên y tế trường học, đảm bảo mỗi cơ sở giáo dục đều có nhân viên y tế trực, có đầu mối cơ sở y tế phối hợp với cơ sở giáo dục và cùng cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm về chuyên môn trong công tác phòng chống dịch.

Trước đó, Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn về việc dạy học trực tiếp trong điều kiện mới. Theo đó, địa phương căn cứ phân loại đánh giá, xác định cấp độ dịch theo từng địa bàn cấp phường/xã, cấp quận/huyện, cấp tỉnh/thành phố để quyết định tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên cho phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh tại từng địa bàn theo nguyên tắc khu vực nào kiểm soát được dịch thì chủ động cho học sinh trở lại trường học tập.

Đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 1 và cấp độ 2 (nguy cơ thấp và trung bình): tổ chức dạy học trực tiếp; củng cố các điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị, phương tiện để sẵn sàng chuyển sang các hình thức dạy học khác khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 3 (nguy cơ cao): tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học trực tuyến, trên truyền hình. Căn cứ điều kiện thực tế, các địa phương quyết định kế hoạch dạy học cho từng lớp, khối lớp; với cấp học phổ thông, ưu tiên dạy trực tiếp các lớp 1, lớp 2, lớp 6, lớp 9 và lớp 12, bảo đảm giãn cách phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất và các điều kiện an toàn trong công tác phòng, chống dịch.

MỚI - NÓNG
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
TPO - Dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại TP. Huế, ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - cho biết, sắp tới khi Trung ương cho chủ trương, Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập thành phố trực thuộc Trung ương sẽ đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng có cơ hội rất lớn cho Thừa Thiên - Huế.