Bộ GD&ĐT 'trần tình' về sai phạm tại trường ĐH Đông Đô

Bộ GD&ĐT 'trần tình' về sai phạm tại trường ĐH Đông Đô
TPO - Bộ GD&ĐT vừa công bố thông tin về sai phạm đào tạo văn bằng 2 của Trường Đại học Đông Đô. Theo đó có 4 vấn đề liên quan đến vụ việc bằng giả ngành ngôn ngữ Anh của trường Đại học này.

Việc đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh của các cơ sở giáo dục ĐH (GDĐH) và thông báo xác nhận chỉ tiêu tuyển sinh của Bộ GD&ĐT nằm trong quy trình báo cáo và xây dựng kế hoạch nhiệm vụ hằng năm. Từ năm 2017 trở về trước, Vụ Kế hoạch - Tài chính của Bộ được giao nhiệm vụ rà soát, kiểm tra năng lực đào tạo và thông báo xác nhận tổng chỉ tiêu năng lực tuyển sinh của các trường (gồm tổng chỉ tiêu đào tạo và chỉ tiêu năng lực theo khối ngành và hình thức đào tạo), đảm bảo phù hợp với năng lực đào tạo theo 2 tiêu chí được quy định (đội ngũ cán bộ, diện tích).

Do đây là việc rà soát năng lực đào tạo nên quy định và thông báo không chi tiết đến từng ngành đào tạo. Cụ thể đối với Trường ĐH Đông Đô, Vụ Kế hoạch - Tài chính chưa năm nào thông báo chỉ tiêu của ngành Ngôn ngữ Anh. Hoạt động rà soát được thực hiện trước khi các trường công bố đề án tuyển sinh, độc lập với việc mở ngành, mở chương trình đào tạo mới; tại thời điểm tuyển sinh các trường phải căn cứ quy chế tuyển sinh để xác định chỉ tiêu cho từng ngành, từng hình thức đào tạo.

Thực tế, nhiều trường sau khi được thông báo xác nhận tổng chỉ tiêu tuyển sinh mới quyết định mở tuyển sinh một chương trình mới hoặc đăng ký đào tạo văn bằng 2 cho một ngành cụ thể. Trường hợp trường ĐH Đông Đô, từ năm 2015 đến 2019 trường đều đăng ký chỉ tiêu văn bằng 2 trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh, nhưng không thực hiện đầy đủ thủ tục đăng ký đào tạo văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh theo quy định, mặc dù trường đã được đào tạo chính quy văn bằng 1 ngành này từ năm 1995.

Việc công khai đề án tuyển sinh được thực hiện từ năm 2017 theo quy chế tuyển sinh hệ ĐH chính quy nhằm thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình công khai, minh bạch của các trường ĐH. Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT hỗ trợ về mặt kỹ thuật giúp các trường đăng tải đề án lên Cổng thông tin tuyển sinh chung tạo điều kiện cho thí sinh toàn quốc dễ dàng truy cập; theo quy chế các trường phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về nội dung của đề án.

Từ năm 2019 trở về trước, mẫu đề án của Bộ GD&ĐT chỉ quy định cho tuyển sinh ĐH chính quy đối với học sinh tốt nghiệp THPT và tương đương, nhưng Trường ĐH Đông Đô đã tự đưa chỉ tiêu tuyển sinh văn bằng 2 vào phụ lục của đề án. Hoàn toàn không có việc các đơn vị của Bộ GD&ĐT đưa thông tin không có trong đề án, không do trường cung cấp lên Cổng thông tin tuyển sinh.

Trách nhiệm của những đơn vị có liên quan thuộc Bộ GD&ĐT

Ngay khi nhận thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng của trường ĐH Đông Đô, Bộ GD&ĐT đã gửi công văn đến Bộ Công an đề nghị điều tra, làm rõ sự việc, có giải pháp mạnh để đảm bảo an ninh văn hóa, giáo dục. Từ đó đến nay, các đơn vị chức năng của Bộ GD&ĐT luôn phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra cung cấp thông tin, tài liệu để phục vụ công tác điều tra, làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật.

Cho đến thời điểm này, cơ quan điều tra mới ra kết luận điều tra đối với việc vi phạm pháp luật của trường ĐH Đông Đô mà chưa có kết luận cụ thể đối với những nội dung liên quan tới trách nhiệm của Bộ GD&ĐT. Sau khi cơ quan điều tra có kết luận chính thức, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét cụ thể trách nhiệm đối với những đơn vị, những cá nhân có liên quan nếu có sai sót, vi phạm.

Thời gian qua, cùng với việc các cơ sở giáo dục ĐH được mở rộng quyền tự chủ, đã có tình trạng lạm dụng để làm sai.

Hủy bỏ văn bằng đã cấp sai quy định

Bộ GD&ĐT cũng khẳng định tới thời điểm này, Bộ chưa nhận được danh sách các trường hợp đã được Trường ĐH Đông Đô cấp văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh. Quan điểm của Bộ là kiên quyết xử lý những trường hợp sử dụng văn bằng được cấp sai quy định; thu hồi và hủy bỏ những văn bằng này. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã giao Cục Quản lý chất lượng làm việc với Trường ĐH Đông Đô và có văn bản yêu cầu Trường ĐH Đông Đô nghiêm túc thực hiện việc rà soát, thu hồi, hủy bỏ các văn bằng được cấp sai quy định.

Bộ GD&ĐT cũng đã yêu cầu các các cơ sở đào tạo khẩn trương rà soát, báo cáo danh sách những người đã sử dụng văn bằng 2 ngoại ngữ của trường Đại học Đông Đô và đề xuất phương án xử lý cụ thể cho từng trường hợp. Đối với trường hợp sử dụng bằng không hợp pháp làm điều kiện đầu vào hoặc điều kiện bảo vệ luận án tiến sĩ, cơ sở đào tạo sẽ căn cứ tính chất và mức độ để có hình thức xử lý phù hợp theo quy định, như dừng học hoặc thu hồi bằng tiến sĩ đã cấp.

Về hành vi sử dụng văn bằng không hợp pháp, pháp luật đã có quy định đầy đủ về các hình thức xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm.

Các cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ sẽ rà soát và phân loại những trường hợp người học biết hoặc không biết rõ về việc đào tạo và cấp bằng sai quy định của trường ĐH Đông Đô để có biện pháp xử lý phù hợp, đúng bản chất. Việc công khai hay không công khai danh tính những cá nhân sử dụng văn bằng không hợp pháp sẽ do cơ quan có thẩm quyền xem xét theo quy định của pháp luật.

“Hậu” trường ĐH Đông Đô sẽ là gì?

Bộ GD&ĐT khẳng định vụ việc xảy ra tại tường ĐH Đông Đô là một bài học cho toàn ngành. Ngay sau khi phát hiện vụ việc vào tháng 4/2019, Bộ GD&ĐT đã gửi công văn yêu cầu các cơ sở GDĐH và các trường CĐSP rà soát đào tạo liên thông, liên kết, văn bằng 2; thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành. Trong hai năm gần đây Bộ GD&ĐT cũng đã tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở GDĐH, nhất là trong các hoạt động đào tạo liên thông, liên kết, văn bằng 2.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về GDĐH cùng với các công cụ phân tích dữ liệu, áp dụng công nghệ để nâng cao năng lực quản lý và giám sát hoạt động của toàn hệ thống.

Bộ GD&ĐT cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, cơ quan chủ quản, địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra; phối hợp với các cơ quan báo chí để tăng cường giám sát, phát hiện vi phạm; kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Bộ GDĐT đề nghị các địa phương có cơ sở GDĐH đóng trên địa bàn tăng cường công tác quản lý nhà nước về GDĐT theo chức năng đã phân cấp.

Ngày nay, khi các trường đại học được mở rộng quyền tự chủ thì cũng cần phải nhận thức rất rõ việc tuân thủ pháp luật, giữ vững chất lượng và xây dựng thương hiệu, thực hiện trách nhiệm giải trình đối với người học và xã hội là những yếu tố sống còn để cạnh tranh và phát triển. Bên cạnh đó, sự tham gia giám sát của đội ngũ cán bộ, giảng viên và người học trong trường cũng như của người dân và cộng đồng xã hội đóng vai trò hết sức quan trọng. Bộ GDĐT mong muốn tiếp tục nhận được những thông tin phản ánh từ cán bộ, giảng viên, người học và cộng đồng xã hội, các cơ quan báo chí để có những biện pháp kịp thời ngăn chặn và xử lý những hành vi sai phạm.

MỚI - NÓNG