Theo đó, lý do Bộ GD&ĐT đưa ra là thời điểm này, chương trình các môn học trong giáo dục phổ thông mới vẫn chưa ban hành. Trước mắt, vẫn còn hàng loạt công việc tiếp theo phải thực hiện như: thông báo để các tổ chức, cá nhân tham gia đăng ký viết SGK; nghiên cứu chương trình để biên soạn sách; thẩm định, phê duyệt rồi mới phát hành SGK.
Chưa kể, sau khi có SGK cũng cần có thời gian để các nhà trường, giáo viên, học sinh và phụ huynh tìm hiểu, dạy học thử nghiệm để có thể lựa chọn bộ sách phù hợp nhất. Nhiều nội dung, công việc như vậy khó có thể triển khai thực hiện trong chưa đầy một năm như ban đầu dự kiến là sẽ thực hiện đổi mới chương trình, SGK bắt đầu áp dụng từ lớp 1 năm 2019-2020.
Đây sẽ là quyết định mới nhất của Bộ GD&ĐT, bởi vì đầu năm học này, đã xảy ra tình trạng khan hiếm SGK ở nhiều nơi trên khắp cả nước. Mà nguyên nhân chính là do thông tin từ năm học tới Bộ GD&ĐT sẽ thay SGK. Các công ty sách, thiết bị trường học địa phương đã đặt kế hoạch thấp để tránh sách bị tồn kho.
Với việc lùi thời gian đổi mới, chương trình SGK sang năm 2020-2021 của Bộ GD&ĐT cũng phù hợp với thời hạn áp dụng mà Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới.
Bởi trước đó, tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2017, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh lộ trình thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới theo hình thức cuốn chiếu được thực hiện chậm nhất là năm 2020-2021 đối với cấp tiểu học, từ năm 2021-2022 đối với cấp THCS và từ năm học 2022-2023 đối với cấp THPT.
Khi đó, dù Bộ GD&ĐT vẫn quyết tâm thực hiện đổi mới, chương trình SGK giáo dục phổ thông mới bắt đầu từ năm học 2019-2020 như dự kiến. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng đã bày tỏ sự lo ngại khi các địa phương chưa thật sự chuẩn bị cơ sở vật chất, nguồn lực, bồi dưỡng nhà giáo…để áp dụng một cách tốt nhất.