Một chương trình nhiều bộ Sách giáo khoa: Lo 'đi đêm'

Lựa chọn sách giáo khoa sẽ do nhà trường, giáo viên, phụ huynh thực hiện. Ảnh: ST.
Lựa chọn sách giáo khoa sẽ do nhà trường, giáo viên, phụ huynh thực hiện. Ảnh: ST.
Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể sắp được áp dụng có chủ trương thực hiện một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa (SGK). Các nhà xuất bản, nhóm tác giả có thể đăng ký viết SGK. Tuy nhiên, có ý kiến còn băn khoăn làm sao để quản lý tốt việc "đi đêm" giữa đơn vị viết sách và cơ sở giáo dục khi đưa SGK vào trường học.

"Đi đêm" có thể xảy ra

Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể có chủ trương thực hiện một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa. Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thông qua Dự thảo Chương trình môn học, nhiều nhà xuất bản, nhiều tác giả có thể tham gia vào viết sách giáo khoa. Như vậy, việc viết SGK và phát hành SGK sẽ không còn là việc độc quyền của Nhà Xuất bản Giáo dục mà còn có sự tham gia của nhiều nhà xuất bản.

GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông cho biết: Dự kiến, trong tháng 9/2018 sẽ ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới. Sau đó, các nhà xuất bản dựa vào chương trình môn học để biên soạn SGK.

“Việc nhiều nhà xuất bản cùng biên soạn, phát hành SGK để các trường học có quyền lựa chọn bộ sách phù hợp, chất lượng nhất phục vụ công tác giảng dạy. Từ đó, các nhóm tác giả, nhà xuất bản cùng cạnh tranh về chất lượng là điều hết sức bình thường. Tuy nhiên, việc cạnh tranh này phải lành mạnh để đảm bảo quyền lợi của học sinh”, GS Thuyết nhấn mạnh.

Hiện việc thực hiện một chương trình nhiều bộ SGK đang nhận được sự đồng tình của xã hội. Ông Nguyễn Quốc Vương, giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội là người nhiều năm kinh nghiệm trong việc dịch và viết nhiều sách về giáo dục cho rằng: Việc thực hiện một chương trình nhiều bộ SGK là cần thiết nhằm thu hút đông đảo giới tri thức, nhà nghiên cứu cùng tham gia viết sách. Cùng với đó, các nhà xuất bản cũng sẽ cho ra đời những bộ sách chất lượng phục vụ người học.

Theo ông Vương, trước kia Nhà Xuất bản Giáo dục độc quyền xuất bản SGK thì sắp tới trên thị trường có nhiều bộ SGK do nhiều nhà xuất bản phát hành. Đây sẽ là sự cạnh tranh tất yếu giữa các nhà xuất bản để phục vụ người học. “Nếu không có cơ chế quản lý tốt thì có thể dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh khi có sự ‘đi đêm’, ‘thỏa thuận ngầm’ giữa nơi sử dụng, người viết sách và nhà xuất bản”, ông Vương nhấn mạnh.

Ông Vương cho rằng, cần có cơ chế rõ ràng về việc ai có quyền lựa chọn SGK ở nhà xuất bản nào. Việc lựa chọn sách có thể do hiệu trưởng, phụ huynh, giáo viên hay hội đồng chuyên môn của địa phương nhưng phải có sự công khai, minh bạch, tránh trường hợp hiệu trưởng có thể tự thỏa thuận với nhà xuất bản mua SGK của nơi không đảm bảo chất lượng.

“Khi thực hiện một chương trình, nhiều SGK, Bộ GD&ĐT phải có quy chế về việc biên soạn, tuyển chọn và sử dụng SGK một cách rõ ràng, minh bạch. Còn SGK có chất lượng tốt hay không trước tiên phải thuộc về giới chuyên môn thẩm định. Kênh thông tin từ công chúng, dư luận xã hội về SGK của nhà xuất bản nào cũng rất quan trọng nhưng không phải chuyện gì công chúng lúc nào cũng có khả năng để thẩm định, đưa ra kết luận được”, ông Vương cho biết.

Xây dựng cơ chế tránh lợi ích nhóm

Những quy định về đối tượng được tham gia viết sách không rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng SGK. Song song đó, quy định về giá sách cũng phải rõ ràng để tạo ra một thị trường sách lành mạnh. Trước những vấn đề đặt ra, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT cho biết: Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp Bộ Tài chính trình Chính phủ phương án cụ thể về giá SGK.

Bên cạnh đó, để tránh việc “đi đêm” giữa nơi sử dụng sách và người viết sách trong việc lựa chọn SGK, Bộ GD&ĐT cũng đang xây dựng thông tư hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông với hướng giao quyền lựa chọn cho cơ sở giáo dục phổ thông theo nguyện vọng của học sinh, cha mẹ học sinh.

Quy định sẽ cụ thể trách nhiệm của Sở, Phòng GD&ĐT, người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông trong việc quản lý việc lựa chọn, sử dụng SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Đặc biệt, trong thông tư cũng có chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quyền lựa chọn của học sinh, cha mẹ học sinh. Việc này sẽ bảo đảm các SGK có chất lượng tốt sẽ được đông đảo học sinh lựa chọn.

Theo ông Thành, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK.

Căn cứ thông tư này, các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện có quyền bình đẳng và cạnh tranh một cách lành mạnh trong việc biên soạn, đề nghị thẩm định SGK. Hội đồng quốc gia thẩm định SGK đánh giá "đạt" sẽ được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định phê duyệt, cho phép sử dụng.

Trước đây, chúng ta thực hiện một bộ SGK duy nhất nên việc lựa chọn SGK chưa bao giờ được đặt ra. Thực hiện theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội: "Thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK; có một số SGK cho mỗi môn học", học sinh, cha mẹ học sinh, giáo viên và các nhà trường lần đầu tiên đứng trước việc phải lựa chọn SGK có thể bỡ ngỡ nhất định.

Để tránh xảy ra những ứng xử không phù hợp do thiếu thông tin, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường truyền thông để xã hội hiểu rõ quy định về việc biên soạn, thẩm định, lựa chọn SGK để học sinh, cha mẹ học sinh, giáo viên và nhà trường chủ động thực hiện.  

Theo lộ trình, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được thực hiện chậm nhất từ năm học 2020 - 2021 đối với cấp tiểu học, từ năm học 2021 - 2022 đối với cấp trung học cơ sở và từ năm học 2022 - 2023 đối với cấp trung học phổ thông.

Theo Theo Báo Hải Quan
MỚI - NÓNG