Đề nghị thanh tra việc độc quyền phát hành sách giáo khoa

Có hay không việc độc quyền phát hành SGK? Ảnh: Hồng Vĩnh
Có hay không việc độc quyền phát hành SGK? Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Trước những nghi ngại về sự độc quyền, lợi ích nhóm liên quan sách giáo khoa (SGK), đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tổ chức thanh tra ngay vấn đề này.

Ảnh hưởng mọi nhà
Ngày 19/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV. Theo báo cáo của Chính phủ, lĩnh vực GD&ĐT đang tiếp tục triển khai tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia sử dụng kết quả với 2 mục đích: xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và làm căn cứ để tuyển sinh đại học, cao đẳng. Về lĩnh vực này, cơ quan thẩm tra đánh giá, việc đổi mới tổ chức kỳ thi “hai trong một” đã mang lại những kết quả nhất định. Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông cơ bản được thực hiện theo lộ trình. Tuy nhiên, kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia còn để xảy ra sai phạm ở một số địa phương, gây bức xúc trong nhân dân. Tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định vẫn chưa được khắc phục, công tác sửa đổi, phát hành SGK còn nhiều bất cập.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Nghị quyết 88 của Quốc hội nói một chương trình nhiều bộ SGK, nhưng thực tiễn có tiết kiệm trong việc in ấn SGK không? Trước nghi ngại từ dư luận liên quan vấn đề độc quyền trong hoạt động của Nhà xuất bản Giáo dục, bà Nga đề nghị Chính phủ, Bộ GD&ĐT làm rõ điều này.
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, dù giá mỗi cuốn sách chỉ từ 10 - 12 nghìn đồng, nhưng lại ảnh hưởng muôn nhà, khi hiện nay cả nước có tới 15,6 triệu học sinh. Bà Hải đề nghị Bộ GD&ĐT tổ chức thanh tra ngay vấn đề này, đặc biệt liên quan biểu hiện lợi ích nhóm giữa biên soạn và phát hành sách.

Cần tầm nhìn chiến lược dài hạn
Liên quan các dự án thua lỗ, kém hiệu quả ngành Công Thương, Chính phủ cho biết, đã xây dựng một đề án riêng, với mục tiêu sớm giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc để chấm dứt tình trạng thua lỗ, khắc phục tối đa thiệt hại cho Nhà nước và xác định rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm. Cùng với việc xử lý các vấn đề về tài chính, quản trị, thị trường, hỗ trợ pháp lý, khoa học công nghệ, các vấn đề về lao động việc làm, ổn định xã hội, bảo đảm môi trường, an ninh - quốc phòng đã được xem xét để xử lý, tới nay có chuyển biến tích cực.
Cơ quan thẩm tra cho biết, đến nay, nhiều dự án thua lỗ lớn đã từng bước giảm lỗ, dần đi vào ổn định và bước đầu có lãi. Tuy nhiên, một số dự án tiến độ còn chậm; việc xử lý tranh chấp tại các hợp đồng tổng thầu EPC chưa được giải quyết. Một số dự án, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc vay vốn, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, bán đấu giá.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, kết quả xử lý các dự án thua lỗ, khắc phục hạn chế, yếu kém là một nỗ lực rất lớn của Chính phủ. Bởi khắc phục dự án thua lỗ không hề đơn giản, cần có thời gian vì có yếu tố thị trường. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn dự án khó khăn, ông Hiển đề nghị cần xử lý tốt hơn và có tầm nhìn, chiến lược dài hạn hơn.

Quá tải bệnh viện chưa được khắc phục
Trong lĩnh vực y tế, Chính phủ cho biết, tinh thần, thái độ phục vụ tận tâm, hòa nhã trong công tác y tế, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ y tế được nâng cao. Giá thuốc và chất lượng thuốc tiếp tục quản lý chặt chẽ, trong đó tăng cường đấu thầu và mở rộng danh mục thuốc đấu thầu tập trung. Tỷ lệ thuốc giả, thuốc kém chất lượng trên tổng số mẫu kiểm nghiệm đã giảm rõ rệt và ở mức thấp. 
Tuy nhiên, tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên chưa được khắc phục. Tình trạng thiếu điều dưỡng viên, mất vệ sinh môi trường bệnh viện còn phổ biến. Đáng lưu ý, sự cố y khoa gây tổn hại sức khỏe người bệnh, thậm chí dẫn đến tử vong, tình trạng bạo hành với cán bộ y tế tại bệnh viện vẫn còn xảy ra. Mệnh giá bảo hiểm y tế thấp trong khi giá thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế cao. Ngoài ra, tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh, bán thuốc không theo đơn thuốc còn phổ biến.
Liên quan lĩnh vực môi trường, ủy ban thẩm tra đánh giá, tình trạng ô nhiễm môi trường diễn biến phức tạp. Việc xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng còn hạn chế. Đáng lưu ý, chủ trương di dời, hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất nằm trong các khu dân cư, vùng đô thị vào các khu, cụm công nghiệp còn chậm. Trong khi đó, tình trạng ô nhiễm môi trường ở nhiều làng nghề còn khá nghiêm trọng, chế tài xử lý chưa nghiêm.

Theo đánh giá của báo cáo thẩm tra, tình trạng xuống cấp về đạo đức gia đình, đạo đức xã hội đang ở mức nghiêm trọng. Việc xây dựng tấm gương người tốt, việc tốt hiệu quả chưa rõ rệt, hệ giá trị chuẩn mực đặc trưng của con người mới chưa được xây dựng.



MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.