Bộ đội Biên phòng: Ghi tên mình ở những nơi gian khó

ĐVTN Bộ đội Biên phòng tuần tra bảo vệ chủ quyền trên tuyến biên giới phía Bắc. ẢNH: Nguyễn Minh.
ĐVTN Bộ đội Biên phòng tuần tra bảo vệ chủ quyền trên tuyến biên giới phía Bắc. ẢNH: Nguyễn Minh.
TP - Cụ thể hóa phong trào “Tuổi trẻ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tiếp bước cha anh, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” bằng những hoạt động thiết thực, 5 năm qua, tổ chức Đoàn ở các đơn vị biên phòng đã cống hiến trí tuệ và sức trẻ trên mọi lĩnh vực công tác.

Mệnh lệnh từ trái tim

Chập tối nhận được tin báo từ xã Phố Cáo nước lũ đang dâng cao tại thôn Sảng Pả, một nhà dân bị sập, những hộ dân khác đang gặp nguy hiểm, chưa kịp ăn cơm tối nhưng chỉ sau 5 phút phát lệnh, các chiến sĩ Đồn Biên phòng (BP) Phó Bảng, BĐBP Hà Giang lên đường giúp dân chống lũ. Các chiến sĩ chia nhau ra từng tốp phối hợp với chính quyền địa phương tiếp cận các hộ dân bị nước lũ đe dọa, giúp người dân di chuyển đồ đạc, tài sản tới nơi an toàn.

6 hộ gia đình bị nước lũ tràn vào được bố trí tới ở nhà những hộ dân khác trong bản. Di chuyển đồ đạc xong, họ tiếp tục khơi thông dòng chảy nhằm giảm áp lực nước đang đổ tràn vào nhà dân. Đêm khuya, khi mọi việc tạm ổn, cán bộ chiến sĩ mới rút quân về đơn vị nghỉ dưỡng sức. Sáng sớm hôm sau, một nhóm chiến sĩ tiếp tục xuống Sảng Pả giúp dựng lại nhà cho bà Lầu Thị Mỷ bị sập hôm trước. “Công tác giúp dân, nhất là trong các tình huống khẩn cấp là mệnh lệnh từ trái tim của mỗi người lính. Và trong những nhiệm vụ khó khăn, gian khổ nhất, ĐVTN luôn là lực lượng xung kích, đi đầu”, đại úy Tạ Tấn Hoàng, Phó Đồn trưởng Đồn BP Phó Bảng, người trực tiếp chỉ đạo ứng cứu dân trong nước lũ, nói.

Cũng trong những ngày tháng 9 vừa qua, những người lính biên phòng trẻ tuổi lại dầm mình trong cơn bão số 10 giúp dân. Bộ chỉ huy BĐBP các tỉnh đã điều động gần 2.000 cán bộ, chiến sĩ, trong đó chủ yếu là lực lượng thanh niên phối hợp với địa phương thông báo, hướng dẫn, di chuyển phương tiện vào tránh trú bão, sơ tán dân vào các đồn BP và chăm lo, chia sẻ thức ăn, nước uống cho người dân; trực tiếp tham gia, gia cố, khắc phục các đoạn đê bị sạt lở trong bão… Khi bão vừa tan, họ lại tiếp tục tỏa xuống các thôn, xóm nhanh chóng giúp người dân dọn dẹp, sửa chữa nhà cửa, vệ sinh môi trường.

Bộ đội Biên phòng: Ghi tên mình ở những nơi gian khó ảnh 1 Tuổi trẻ Biên phòng tỉnh Long An giúp dân thu hoạch lúa chạy lũ tại xã Thái Trị, huyện Vĩnh Hưng, thánh 8/2017. Ảnh:CTV.

Thiếu tá Đoàn Ngọc Báu, Trưởng ban Thanh niên BĐBP cho biết: Phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó máu thịt với nhân dân khu vực biên giới, thanh niên BĐBP luôn là lực lượng nòng cốt bám dân, bám địa bàn, làm tốt công tác vận động quần chúng, xây dựng cơ sở chính trị, xây dựng môi trường văn hóa, giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo... Tuổi trẻ BĐBP cũng đã xung kích tham gia phòng, chống bão lụt, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân. Nhiều mô hình, cách làm hay đã được tuổi trẻ các đơn vị thực hiện có hiệu quả thiết thực như mô hình “Hũ gạo tình thương” của thanh niên BĐBP tỉnh Tây Ninh, Bình Định; giúp dân trồng lúa nước của thanh niên BĐBP tỉnh Quảng Bình, Quảng Nam; mô hình “Thắp sáng làng quê”, phong trào “Thanh niên BĐBP chung sức xây dựng nông thôn mới”, đề án “Phát triển đảng viên là chiến sĩ nghĩa vụ quân sự” của BĐBP tỉnh Cao Bằng...

Chấp nhận hiểm nguy, gian khó

Là một trong hai đại diện ưu tú của lực lượng BP vinh dự trở thành Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu trong giai đoạn 2012-2017, đại úy Lê Kiếm Sơn (Phó đội trưởng Đội đặc nhiệm, Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, BĐBP Hà Tĩnh) đã lập hàng loạt chiến công lớn, trở thành khắc tinh của những tên tội phạm ma túy khét tiếng và các đối tượng hình sự.

Hơn 6h sáng ngày 3/1/2016, tại một khu rừng thuộc địa phận Lào, khi 4 chiếc ô tô chở các đối tượng buôn bán ma tuý người Thái Lan, Lào và Việt Nam lọt vào khu vực phục kích của các tổ trinh sát, hiệu lệnh tấn công được Ban chỉ đạo chuyên án 469 LV của Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Tĩnh phát ra. Từ mọi hướng, các chiến sĩ biên phòng đồng loạt xông tới. Quá bất ngờ, 5 tên tội phạm ma tuý sừng sỏ đành thúc thủ, phải tra tay vào còng số 8. Đây là một trong những vụ đánh án ma tuý lớn được đại úy Sơn và đồng đội trực tiếp thực hiện. Chuyên án thành công, đường dây mua bán, vận chuyển ma túy trái phép từ Myanmar qua Lào về Việt Nam do Zơ Xay Vàng (quốc tịch Thái Lan) cầm đầu bị triệt phá, lực lượng đánh án thu giữ được một lượng ma tuý lớn, gồm 91 bánh heroin và gần 36 nghìn viên ma tuý tổng hợp.

Trưởng thành từ lực lượng đặc công, Lê Kiếm Sơn hội tụ đủ những phẩm chất của một trinh sát đặc nhiệm. Từ 2014 đến nay, anh đã trực tiếp tham gia đấu tranh thành công 21 chuyên án và nhiều vụ án lớn nhỏ, bắt giữ hàng chục đối tượng. Trong 2 năm 2015-2016, với thành tích xuất sắc trong phòng chống tội phạm và hoạt động Đoàn, anh đã nhiều lần được Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, T.Ư Đoàn, Bộ Tư lệnh BĐBP, UBND tỉnh Hà Tĩnh vinh danh, khen thưởng. Năm 2015, anh được Chính phủ Lào tặng Huân chương Lao động.

Trao đổi với PV Tiền Phong, Thiếu tướng Lê Như Đức, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP khẳng định: Bên cạnh những chiến công xuất sắc trên mặt trận đấu tranh với các loại tội phạm, ĐVTN các đơn vị phát huy tốt vai trò xung kích trong tuần tra, bảo vệ biên giới, vùng biển; phát hiện xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm quy chế biên giới, xâm canh, xâm cư, xâm nhập trái phép bảo vệ an toàn đường biên, cột mốc. Tuổi trẻ các Hải đoàn, Hải đội BP đã xung kích trong nhiệm vụ xua đuổi, bắt giữ hàng ngàn lượt tàu thuyền nước ngoài xâm nhập, khai thác trộm hải sản. Trước sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 trong vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, ĐVTN các đơn vị đã nêu cao tinh thần cảnh giác, xung kích, tình nguyện, sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ…

Hôm nay (2/10), tại Hà Nội, diễn ra Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh BĐBP lần thứ XIII (2017-2022). 5 năm qua, tuổi trẻ BĐBP đã xung kích trong hoạt động khám chữa bệnh cho 523.155 lượt người; cấp phát thuốc miễn phí trị giá trên 50 triệu đồng; tiêm chủng mở rộng cho hơn 3.000 lượt cháu; mở 147 lớp xoá mù chữ với 3.323 học viên; 820 lớp phổ cập giáo dục tiểu học với 524 học viên…

Từ năm 2014, mô hình “Nâng bước em tới trường” được phát động đã tạo bước đột phá trong phong trào thanh niên của BĐBP. Năm học 2017-2018, có 2.802 em nhỏ (trong đó có 820 em mồ côi, 40 em được nuôi tại đồn BP, hơn 160 em là người nước bạn Lào và Campuchia) được nhận đỡ đầu đến khi tốt nghiệp PTTH. Mỗi em học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở khu vực biên giới, được hỗ trợ mỗi tháng 500.000đ để có đủ điều kiện tới trường.

MỚI - NÓNG