Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa trình Chính phủ Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô, dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe (Nghị định 65/2016/NĐ-CP, Nghị định 10/2020/NĐ-CP, Nghị định 119/2021/NĐ-CP).
Tại dự thảo nghị định mới nhất trình Chính phủ, tiêu chuẩn về giáo viên dạy lái xe ô tô (gồm cả dạy lý thuyết và thực hành) đã được sửa lại, về cơ bản dự thảo trở lại các quy định như hiện hành, thay vì hạ chuẩn theo dự thảo lấy ý kiến hồi tháng 8, 9 vừa qua.
Tiêu chuẩn với giáo viên học lái xe sẽ không thay đổi nhưng tiêu chuẩn với xe học lái, sát hạch sẽ có niên hạn sử dụng. |
Cụ thể, dự thảo mới chỉ sửa đổi chung về tiêu chuẩn giáo viên dạy lái xe: “Giáo viên dạy lái xe (cả lý thuyết và thực hành) phải đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp”.
Với đề xuất mới như trên, về cơ bản, tiêu chuẩn của giáo viên dạy lái xe phải có bằng trung cấp nghề phù hợp với nghề lái xe. Do học lái xe được xác định là học nghề trình độ sơ cấp, nên theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, yêu cầu giáo viên dạy phải có trình độ trung cấp trở lên.
Trước đó, tại dự thảo lấy ý kiến hồi tháng 8-9 vừa qua, Bộ GTVT đề xuất hạ chuẩn của giáo viên dạy lái xe. Cụ thể, với giáo viên dạy lý thuyết vẫn yêu cầu bằng trung cấp. Riêng giáo viên dạy thực hành lái xe chỉ cần tốt nghiệp Phổ thông Trung học (cấp 3) trở lên, kèm điều kiện có giấy phép lái xe tương ứng thời hạn từ 5 năm trở lên, lái xe an toàn từ 50.000km trở lên, chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm; có Giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe do Sở GTVT địa phương cấp…
Bộ GTVT cho rằng, quy định hiện hành yêu cầu giáo viên dạy lái xe phải có bằng trung cấp phù hợp, hoặc chứng chỉ kỹ năng nghề bậc 1 trở lên, hoặc chứng nhận bậc thợ 3/7 trở lên… Bộ GTVT cho rằng, quy định này dẫn tới việc tuyển dụng giáo viên dạy nghề lái xe hiện nay rất khó khăn. Do trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiện rất ít ngành nghề có chuyên môn phù hợp với nghề đào tạo lái xe ô tô. Vì vậy, cần được xem xét sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Góp ý cho dự thảo trước của Bộ GTVT, một số địa phương cũng không đồng thuận hạ chuẩn giáo viên dạy lái xe chỉ cần bằng cấp 3 (thay cho bằng trung cấp), như các tỉnh: TPHCM, Quảng Ngãi, Bình Định, Lào Cai, Điện Biên, Phú Yên, Sơn La… Các địa phương này cho rằng, không nên hạ chuẩn giáo viên dạy lái xe, nhằm nâng cao chất lượng dạy thực hành. Thêm vào đó, tiêu chuẩn giáo viên dạy trình độ sơ cấp (như dạy lái xe), phải có trình độ trung cấp hoặc chứng chỉ kỹ năng nghề trở lên.
Bên cạnh đó, hiện việc tuyển sinh vào đào tạo trình độ sơ cấp chỉ yêu cầu học sinh tốt nghiệp Trung học Cơ sở (cấp 2), không yêu cầu phải có bằng cấp 3, quá trình học cũng không yêu cầu bắt buộc phải học thêm bằng cấp 3. Dẫn tới, có nhiều người dù có bằng trung cấp nhưng chưa chắc đã có bằng cấp 3.
Giải trình góp ý các địa phương, Bộ GTVT cho biết, đã sửa đổi tại dự thảo mới nhất, theo hướng tiêu chuẩn giáo viên dạy lái xe theo quy định pháp luật về dạy nghề sơ cấp. Tuy nhiên, thực tế quy định về tiêu chuẩn giáo viên dạy nghề sơ cấp đặt ra một số tiêu chuẩn về bằng cấp, tối thiểu bằng trung cấp trở lên.
“Tiêu chuẩn này hiện không một giáo viên dạy lái xe nào đáp ứng được, vì trong hệ thống nghề đào tạo quốc gia hiện nay không có ngành nghề nào có chuyên ngành phù hợp với nghề đào tạo lái xe ô tô. Bên cạnh sửa các quy định trên, bộ đang sửa Chương trình đào tạo lái xe theo hướng thời gian dạy không quá 3 tháng, tương ứng với hình thức đào tạo thường xuyên (thấp hơn nghề sơ cấp) theo quy định về pháp luật giáo dục nghề nghiệp để đảm bảo tính thống nhất”, lãnh đạo Bộ GTVT giải trình thêm.
Với quy định lái xe dạy thực hành phải có 50.000 km lái xe an toàn trở lên, một số bộ ngành, địa phương cũng góp ý là khó khả thi, do không có công cụ để kiểm soát, chứng minh, như Bộ Công Thương, Sở GTVT Điện Biên, Phú Yên, Quảng Trị, Đà Nẵng… Do đó, tại dự thảo mới nhất, Bộ GTVT cũng bỏ điều kiện này.
Hiện, cả nước có 374 cơ sở đào tạo lái xe, với 61.000 giáo viên dạy lái xe.
Bên cạnh đó, quy định hiện hành không ràng buộc về niên hạn với xe tập lái hạng B (xe con từ 9 chỗ trở xuống), trong khi các xe tập lái hạng bằng khác đều có niên hạn, như xe học bằng D, E không quá 20 năm; xe học bằng C không quá 25 năm. Bên cạnh đó, cũng có thực tế, một số xe tập lái bằng B sử dụng thời gian dài, thậm chí xe cũ được dùng chuyển đổi thành xe tập lái, nhưng không được thay mới.
Từ thực tế trên, Bộ GTVT đề xuất bổ sung quy định xe tập lái hạng B (gồm B1, B2 và FB) có niên hạn không quá 20 năm (tính từ năm sản xuất); xe tập lái hạng C, FC, D, E, FD và FE áp dụng tương tự niên hạn với xe vận tải khách và hàng hiện hành (xe chở khách không quá 20 năm, xe chở hàng không quá 25 năm). Giải pháp này, theo Bộ GTVT, nhằm đảm bảo tính đồng nhất, đảm bảo an toàn cho học viên và người tham gia giao thông, nâng cao chất lượng dịch vụ đào tạo và sát hạch lái xe.
Hiện 374 cơ sở đào tạo lái xe trên cả nước có gần 41.000 xe tập lái; và 155 trung tâm sát hạch lái xe với gần 4.400 xe sát hạch. Trong đó, xe tập lái bằng hạng B chiếm tới 80% tổng số xe tập lái; gần 4.300 xe sát hạch hạng B chiếm 90% tổng số xe sát hạch.