“Bỏ của chạy lấy người” vì tin đồn vỡ đập

Mực nước sông Hương gần đập Tả Trạch được điều tiết ở mức an toàn vào sáng 5/11. Ảnh: Ngọc Văn.
Mực nước sông Hương gần đập Tả Trạch được điều tiết ở mức an toàn vào sáng 5/11. Ảnh: Ngọc Văn.
TPO - Sáng 5/11, nhiều người dân xã Thủy Bằng (thị xã Hương Thủy, tỉnh TT-Huế) đã trở về nhà sau một đêm “bỏ của chạy lấy người” khi nghe tin đồn đập thủy lợi Tả Trạch phía thượng nguồn sông Hương sắp bị vỡ.  

Không chỉ ở Thủy Bằng, nhiều người dân xã Hương Thọ (thị xã Hương Trà) phía bên kia sông Hương cũng một phen nhốn nháo, tìm cách tháo chạy đến nơi cao khi nghe tin đồn sắp có đợt lũ quét kinh hoàng do hồ thủy lợi chứa hàng trăm triệu khối nước bên trên sẽ bị vỡ. 

Ông Nguyễn Thanh Hóa, cán bộ xã Thủy Bằng, xác nhận: Khoảng 9 giờ tối 4/11, nhiều người dân sống dọc sông Hương thuộc các thôn Bằng Lãng, Tân Ba, Vỹ Dạ, An Ninh, Dương Phẩm… đột nhiên rời bỏ nhà cửa, tự phát di dời đến nơi cao khi nghe tin đồn đập Tả Trạch sắp vỡ. Số lượng di dời lên đến hàng trăm người.

“Tìm hiểu bước đầu, thông tin thất thiệt này xuất phát từ vùng Dương Hòa - khu vực có hồ Tả Trạch. Ban đầu nghe thông tin, ông Mai Bá Nam, Bí thư chi bộ thôn Tân Ba, có trao đổi đến người dân xung quanh. Chưa rõ thực hư thế nào, người dân trong vùng lập tức bỏ chạy lên núi hoặc sơ tán tới nhà bà con nơi cao. Không chỉ ở thôn Tân Ba, tin đồn lan nhanh sang các thôn khác, khiến nhiều người dân bất chấp đêm tối mưa gió, vội rời bỏ nhà cửa chuyển đến nơi khác”, ông Hóa cho biết.

Mặc dù được chính quyền địa phương giải thích, tuyên truyền về vận hành an toàn của đập Tả Trạch ngay trong đêm, nhiều người dân xã Thủy Bằng vẫn không tin, họ tiếp tục che lều bạc “cố thủ” trong những khu lăng mộ trên đồi cao cho tới sáng hôm sau mới chịu trở về nhà. 

Ông Nguyễn Văn Quý, cán bộ xã Hương Thọ (thị xã Hương Trà), cũng cho biết: Nghe tin thất thiệt loan sang từ phía xã Thủy Bằng, người dân hai thôn Định Môn, Kim Ngọc cũng nhốn nháo đòi di dời. Sau khi được cán bộ xã về tận thôn giải thích ngay trong đêm, người dân mới chịu ở lại.

“Bỏ của chạy lấy người” vì tin đồn vỡ đập ảnh 1

Người dân Thủy Bằng “chạy lũ” trở về sau tin đồn thất thiệt. Ảnh: Ngọc Văn.

Vào sáng 5/11, dù đã quay trở về nhà, được giải thích hồ đập đang vận hành an toàn, nhưng nhiều người dân Thủy Bằng vẫn sống trong cảnh âu lo. 

Bà Văn Thị Hồng, trú thôn Tân Ba (Thủy Bằng), kể: “Suốt đêm qua tới giờ, tôi không sao chợp mắt được. Hễ mưa lớn đổ xuống, cả nhà lại nhấp nhổm. Mình sống dưới đập Tả Trạch, phía trên treo hàng trăm triệu khối nước, răng mà không lo cho được. Hồi đêm, cả xóm ni đều bỏ chạy tay không vì lo sợ lũ cuốn chết khi nghe tin đồn vỡ đập. 

Nhiều người chỉ mặc mỗi một bộ áo quần, không kịp mang theo thứ gì. Đầu tháng 11 cách đây 16 năm, vùng này từng tan hoang vì trận lũ lịch sử 1999, giờ cứ nghe tin lũ lụt về là khiếp vía”.
“Bỏ của chạy lấy người” vì tin đồn vỡ đập ảnh 2 Ghe thuyền dùng đi lại trên sông Hương vẫn còn “neo” trên vùng xóm đồi thôn Tân Ba. Ảnh: Ngọc Văn.
Trước thông tin đập Tả Trạch sắp vỡ, sáng 5/11, phía Ban Quản lý hồ Tả Trạch khẳng định với PV, toàn bộ công trình hồ đập vẫn an toàn và không có bất kỳ biểu hiện bất thường nào. 

Những ngày qua, tại TT-Huế có mưa lớn, hồ Tả Trạch tiến hành điều tiết nước để cắt lũ là hết sức bình thường, lưu lượng xả về hạ lưu là 140m3/s, nằm trong giới hạn rất an toàn, nước lũ từ thượng nguồn dồn về hồ vẫn chưa vượt qua ngưỡng tràn.

“Bỏ của chạy lấy người” vì tin đồn vỡ đập ảnh 3 Dù được giải thích, tuyên truyền hồ đập vận hành an toàn, dân vùng hạ du xã Thủy Bằng vẫn nhấp nhổm lo sợ mưa lũ ảnh hưởng đời sống, tính mạng. Ảnh: Ngọc Văn.
Còn theo ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, do mưa lớn nhiều ngày qua trên địa bàn, vào chiều 4/11, Ban chủ động phát công điện gửi các địa phương yêu cầu chủ động triển khai các phương án phòng chống lũ lụt, trong đó đề phòng mưa lớn gây lũ, lũ quét tại các vùng núi và cửa sông. 

Đây là việc làm hết sức bình thường, diễn ra thường xuyên trong mùa mưa lũ, nhưng có thể do người dân các địa phương thuộc hai thị xã Hương Thủy, Hương Trà sống gần hồ Tả Trạch không hiểu rõ thông tin, nên dẫn đến hiểu nhầm.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.