Bộ Công an tham gia xác thực thông tin khi giao dịch tín dụng

Bộ Công an đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng hệ thống kết nối để thực hiện việc xác thực thông tin của công dân có giao dịch tín dụng. Ảnh minh họa
Bộ Công an đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng hệ thống kết nối để thực hiện việc xác thực thông tin của công dân có giao dịch tín dụng. Ảnh minh họa
TPO - Bộ Công an đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng hệ thống kết nối để thực hiện việc xác thực thông tin của công dân có giao dịch tín dụng với các ngân hàng thương mại, nhằm xác định số chứng minh nhân dân 9 số và 12 số, hoặc căn cước công dân.

Bộ Công an vừa có công văn trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Chương (TP. Hồ Chí Minh) về việc cấp và sử dụng thẻ Căn cước công dân.

Tại kỳ họp thứ 6 vừa qua, đại biểu Nguyễn Văn Chương chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm: Việc cấp căn cước công dân thay cho chứng minh nhân dân được cử tri và nhân dân đồng tình, chấp hành đầy đủ. Tuy nhiên, công dân khi sử dụng căn cước công dân trong các lĩnh vực tài chính, tài văn, nhà cửa, đi công chứng… phải có căn cước mới kèm theo giấy xác nhận của cơ quan công an. Nếu làm mất hoặc khi giao dịch không có giấy xác nhận kèm theo thì Căn cước công dân không được thừa nhận. Đây là điều bất tiện cho đời sống sinh hoạt của người dân.

Đại biểu Chương đề nghị, cần ghi rõ số chứng minh nhân dân cũ trên thẻ căn cước mới ở bất cứ chỗ nào, để thẻ căn cước mới có giá trị sử dụng mà không cần giấy xác nhận của cơ quan công an. Đồng thời, Ủy ban nhân dân, Ngân hàng phải chấp nhận thẻ căn cước mới mà ngành công an cấp cho nhân dân, phải có liên thông để không gây phiền phức cho nhân dân.

Trả lời chất vấn đại biểu Nguyễn Văn Chương bằng văn bản, Bộ Công an cho biết, nội dung thể hiện trên thẻ căn cước công dân là những thông tin cơ bản của công dân, được quy định tại Điều 18, Luật Căn cước công dân và Thông tư số 61 của Bộ Công an, quy định về mẫu thẻ căn cước công dân.

Theo Bộ Công an, trong các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên không quy định có ghi thông tin số chứng minh nhân dân cũ trên thẻ căn cước công dân. Vì vậy không thể ghi thêm số chứng minh nhân dân cũ trên thẻ căn cước công dân. Mặc khác, do quy định của pháp luật đối với công tác cấp chứng minh nhân dân cũ là công dân khi thay đổi nơi đăng ký thường trú và ra ngoài phạm vi tỉnh, thành phố thì phải đổi chứng minh nhân dân và số chứng minh nhân dân này không giống với số chứng minh nhân dân ở nơi chuyển đi. Vì vậy việc ghi số chứng minh nhân dân cũ trên thẻ căn cước công dân sẽ không thể thực hiện được.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong các giao dịch, ngày 15/12/2015, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Thông tư 66, quy định về biểu mẫu sử dụng cấp, quản lý thẻ căn cước công dân, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong việc thực hiện các giao dịch với các cơ quan, tổ chức cá nhân mà trước đây đã sử dụng số chứng minh nhân dân cũ. Nếu công dân làm mất giấy xác nhận số chứng minh nhân dân thì sẽ được cấp lại tại cơ quan công an nơi đã cấp căn cước công dân hoặc nơi công dân đăng ký thường trú mới.

Cũng theo Bộ Công an, để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong các giao dịch, Bộ Công an đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng hệ thống kết nối để thực hiện việc xác thực thông tin của công dân có giao dịch tín dụng với các ngân hàng thương mại, nhằm xác định số chứng minh nhân dân 9 số và 12 số, hoặc căn cước công dân là của cùng một người.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.