Bộ chủ quản “né”, xe “dù” sẽ hoành hành

Xe khách thoải mái “vợt” khách trên đường vành đai 3 Hà Nội
Xe khách thoải mái “vợt” khách trên đường vành đai 3 Hà Nội
TP - Việc chạy chọt, lót tay trong cấp “nốt” (giờ chạy xe vào bến); bán, cho thuê “nốt” giữa các nhà xe làm rối loạn thị trường vận tải, tiềm ẩn mất an toàn giao thông. Dường như Bộ GTVT không muốn quản luồng, tuyến vận tải.

Bài học xe khách Sao Việt trong vụ tai nạn thảm khốc vừa qua cho thấy cần xem xét lại trách nhiệm quản lý luồng tuyến xe mà các địa phương đang thực hiện.

Xe “dù”, trá hình bủa vây bến xe

Gần đây, hiện tượng xe “dù”, xe trá hình liên tục được phanh phui, nhưng ít có dấu hiệu giảm ngay tại Thủ đô. Điểm nóng nhất vẫn thuộc khu vực xung quanh Bến xe Mỹ Đình - bến đông nhất Hà Nội.

Cách bến xe này chừng 100 m, ngay trên đường Phạm Hùng đang tồn tại bãi đỗ xe được sử dụng làm nơi tập kết xe hợp đồng của Cty VietBus-chuyên đón khách đi Lào Cai. Bên cạnh đó, xe “dù” thương hiệu Dòng Hiền thường xuyên đón khách đi Quảng Bình.

Đi thêm vài trăm mét, tại địa chỉ 26 Phạm Hùng, một bãi đất trống đang được sử dụng làm nơi đón khách tuyến Hà Nội-Đông Hà (Quảng Trị) của nhà xe Nhật Tuấn. Nhà xe này hoạt động cố định trên tuyến, nhưng lại núp bóng dưới danh nghĩa xe hợp đồng. Bến xe dù này tồn tại trá hình dưới danh nghĩa “bãi đỗ xe”.

Không chỉ xe dù, xe hợp đồng trá hình, khu vực Mỹ Đình và dọc tuyến vành đai 3 là nơi hoạt động nhộn nhịp của các xe chạy trái tuyến, vượt tuyến “vợt” khách.

Dọc đường Phạm Hùng, hiện tượng xe chạy hầu hết các tuyến với tốc độ rùa bò đón khách vẫn xảy ra. Thậm chí, những xe khách này diễu qua các xe tuần tra của CSGT và thanh tra giao thông như chốn không người.

Theo Chủ tịch hiệp hội Vận tải Ô tô Nguyễn Văn Thanh, để lập được luồng tuyến vận tải, việc cần làm đầu tiên là xác định được chính xác năng lực của các bến xe (tránh tình trạng xe đã chật như Bến xe Mỹ Đình vẫn nhận vào - PV); cần xác lập cơ chế đấu thầu luồng tuyến hoặc xây dựng các mức giá giờ cao điểm và thấp điểm khác nhau như hàng không. Bản chất là điều tiết phương tiện và người lái, tăng nguồn thu cho nhà nước (đang chiếm cổ phần chi phối tại các bến xe).

PV Tiền Phong từng chứng kiến cảnh nhiều xe từ Bến xe Yên Nghĩa cũng vòng về khu vực này “vợt” khách (chạy trái tuyến giống trường hợp xe Sao Việt vừa rồi ở Sa Pa).

Chiều 23/9, PV Tiền Phong theo chiếc xe 30 chỗ màu vàng BKS 15B 01171 thuộc Cty Đoàn Xuân gắn biển đón khách đi Hải Phòng vòng từ đường Lê Văn Lương ra “vợt” khách dọc tuyến Khuất Duy Tiến trước mặt CSGT đội 7 của Hà Nội.

Hiện tượng xe đón trả khách ngay trên đường vành đai 3 Hà Nội hay phía dưới (thuộc trục đường Nguyễn Xiển, Khuất Duy Tiến) liên tục được đề cập nhưng không giảm; giới vận tải thủ đô ví đây giống như một “bến xe tự do”.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, việc các chủ xe chạy dù, trá hình vì hám lợi, CSGT, thanh tra giao thông không xử lý vi phạm chỉ là bề nổi, bản chất vẫn là việc quản lý luồng, tuyến.

“Các doanh nghiệp muốn có tuyến đẹp, xuất bến vào giờ đông khách đều phải có tiền lót tay. Thậm chí có chuyện bán “nốt” giữa các doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào cũng gặp phải, nhưng việc đi đêm không ai phát hiện ra”, ông Thanh nói. Hiện tượng này dẫn tới việc nhà xe nhiều khi mặc sức tăng giá, vòng vo đón và nhồi nhét khách.

Trong cuộc họp mới đây, Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ cũng cho rằng, một trong những giải pháp căn cơ nhất để giải quyết vấn đề xe hợp đồng trá hình là minh bạch luồng tuyến. Bởi khó khăn trong việc có luồng tuyến mới phát sinh hiện tượng xe chạy trá hình.

Bộ GTVT “né” trách nhiệm?

Trong nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải vừa được Chính phủ ban hành; Bộ GTVT được phân công lập, phê duyệt và công bố quy hoạch tuyến vận tải hành khách liên tỉnh.

Định hướng của Bộ GTVT (đang nghiên cứu) là sau khi có quy hoạch sẽ công khai để doanh nghiệp đăng ký; nếu lượng xe quá lớn trên tuyến buộc phải điều chuyển sang bến khác hoặc đấu thầu.

Tuy nhiên, trả lời Tiền Phong trong cuộc họp triển khai nghị định trên, Phó Tổng cục trưởng Đường bộ Nguyễn Văn Quyền cho biết, Bộ GTVT sẽ chỉ đưa ra những định hướng chung, còn lại để địa phương thực hiện. Dự thảo quy hoạch luồng tuyến do Viện Chiến lược Phát triển GTVT vừa hoàn tất cũng chỉ mới đưa ra những định hướng, chưa ban hành cụ thể.

Ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng, Bộ GTVT chủ trì soạn thảo nghị định mới và đã nhận trách nhiệm, nhưng nếu chỉ đưa ra “quy hoạch mở” như ông Quyền đề cập sẽ không thể giải quyết được triệt để vấn đề. “Quy hoạch mở có nghĩa là vẫn tạo ra kẽ hở cho tiêu cực trong cấp “nốt” ở địa phương” - ông Thanh nói.

Ông Thanh đề nghị để thể hiện sự đổi mới triệt để trong quản lý luồng tuyến, dù quy hoạch chi tiết từng luồng tuyến trên toàn quốc là rất khó khăn, Bộ GTVT cần quyết tâm thực hiện.

“Khối lượng công việc này rất lớn. Bộ GTVT đặt ra yêu cầu đến cuối năm nay hoàn thành là rất khó, nhưng đừng vì thế mà chỉ đưa ra những quan điểm quy hoạch luồng tuyến chung chung”, ông Thanh nói.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.