Các yêu cầu trên được đưa ra bởi Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao Mỹ khi Nhà Trắng một mặt cố gắng duy trì áp lực với Nga, mặt khác vẫn muốn tránh “một thảm hoạ kinh tế toàn cầu”, Bloomberg đưa tin.
Cụ thể, Washington được cho là đã yêu cầu các dịch vụ như thanh toán bằng đô la Mỹ, chuyển tiền thanh toán… cho các công ty Nga được miễn khỏi một số nội dung nhất định của lệnh trừng phạt. Các công ty này bao gồm cả tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga và các nhà sản xuất phân bón Uralkali, PhosAgro, các nguồn tin cho biết.
Với đề nghị này, các ngân hàng của Mỹ vô tình rơi vào thế khó xử giữa chính quyền Tổng thống Biden với Quốc hội - vốn luôn đòi hỏi các biện pháp khắc nghiệt hơn đối với Mátxcơva.
Các biện pháp trừng phạt ngăn cản các ngân hàng Mỹ cung cấp dịch vụ cho các thực thể và cá nhân Nga có trong danh sách đen. Các hành vi vi phạm có thể bị phạt hàng tỷ đô la.
Jamie Dimon, Giám đốc điều hành của ngân hàng đầu tư JPMorgan Chase được cho là đã bị tra hỏi trong một phiên điều trần trước Quốc hội vào tháng 9 về việc công ty của ông bị cáo buộc sử dụng các kẽ hở trong lệnh trừng phạt để tiếp tục hợp tác với Nga. Đáp lại, Dimon giải thích rằng “chúng tôi làm theo hướng dẫn của chính phủ Mỹ”.
Khi được Bloomberg hỏi về vấn đề này, một phát ngôn viên của Bộ Tài chính nói rằng họ đã ban hành hướng dẫn cho các ngân hàng, làm rõ rằng các hoạt động trong lĩnh vực viện trợ nhân đạo, năng lượng và nông nghiệp là được phép. Ngân hàng JPMorgan và Citigroup đã từ chối bình luận.
“Quốc hội cần phải hiểu điều này - Chính phủ Mỹ chưa áp đặt lệnh cấm vận toàn diện với Nga, vẫn có nhiều hoạt động kinh doanh được phép,” Nnedinma Ifudu Nweke, luật sư chuyên về các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ chỉ rõ. Bộ Tài chính “sẽ tiếp tục có các cuộc họp để hướng dẫn các ngân hàng về phạm vi những giao dịch được phép, đặc biệt là trong lĩnh vực nhân đạo,” Nweke nói thêm.